Cái tên Phạm Đoan Trang và "Chính trị bình dân" đang hót trên cộng đồng mạng. Cũng phải thôi bởi Chính trị bình dân là cuốn sách do Phạm Đoan Trang viết ra, nó được làng “dân chủ” lăng xê và quảng bá. Trong bài viết trước, chúng tôi đã phân tích về cái gọi là vận động quốc tế trong Chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang. Trong bài viết này, xin tiếp tục bàn luận về một số hoạt động mà Đoan Trang gọi là kiến thức chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang.
Vấn đề thứ hai mà Phạm Đoan Trang đề cập, đó là hoạt động đảng phái. Đoan Trang viết “Vận động là hình thức hoạt động chính trị mà một cá nhân - như bạn - cũng có thể làm. Nhưng tất nhiên, nó sẽ hiệu quả hơn nếu bạn có tổ chức. Một tiếng nói đơn lẻ khó mà có sức mạnh như nhiều tiếng nói cùng kết hợp một cách có tổ chức. Cho nên hoạt động chính trị gắn với tổ chức, đảng phái là vì thế. Hoạt động đảng phái là ít nhất một trong các hoạt động sau: Thành lập đảng/ tổ chức chính trị mới…”
Như vậy Đoan Trang đang phổ biến hay đúng ra là Đoan Trang đang kêu gọi người khác tham gia hoạt động chính trị bằng cách thành lập đảng chính trị mới. Điều này nếu Đoan Trang viết ở các quốc gia khác có chế độ đa đảng thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, đối với Việt Nam ai cũng biết thể chế chỉ duy nhất một Đảng lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam. Việt Nam không cần đa nguyên, đa đảng, Việt Nam dưới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã đủ sức phát triển. Chính vì thế kêu gọi mọi người hoạt động chính trị bằng cách thành lập tổ chức đảng phái chính trị mới, phải chăng Phạm Đoan Trang đang cổ vũ cho vấn đề quen thuộc mà làng “dân chủ” vẫn hay hô hào đó là phải đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam, để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Và với tính chất như thế này, soi chiếu với hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, có nét gì đó giống giống nhỉ.
Vấn đề thứ ba, Đoan Trang phổ biến đó là làm truyền thông. Tuy nhiên theo như ý kiến của Phạm Đoan Trang thì làm truyền thông không chỉ là cung cấp thông tin chính xác cho báo đài mà tốt nhất là viết blog kiểu như Phạm Đoan Trang, tức thông qua blog viết về các vấn đề chính trị. Đó chính là làm chính trị qua hoạt động truyền thông.
Mà với những những blogger “dân chủ” như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Chí Dũng… các bạn đã biết kiểu viết của họ rồi đấy, toàn là xuyên tạc và bịa đặt hòng tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam. Như vậy ở đây Phạm Đoan Trang không phải đang hướng dẫn người dân làm chính trị mà đang kích động người dân sử dụng blog để viết, tán phát các quan điểm sai trái như cô ta đã và đang làm.
Như vậy cùng với vấn đề vận động quốc tế theo nghĩa là kêu gọi nước ngoài can thiệp, gây sức ép với Nhà nước Việt Nam, kêu gọi thành lập đảng phái chính trị mới để cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Đảng Cộng sản, hô hào người dân sử dụng blog để tuyên truyền chống phá, Đoan Trang đã dần lộ rõ bản chất của mình qua cuốn Chính trị bình dân.
Và còn nhiều vấn đề nữa mà Đoan Trang đã thể hiện trong cuốn Chính trị bình dân, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích trong các bài viết sau.