Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

NGÀY NÀY NĂM XƯA: RUNG CHUYỂN SÀI GÒN NGÀY 28/4 CỦA 43 NĂM VỀ TRƯỚC


Ngày 28/4/1975, một biên đội gồm 5 máy bay A37 do phi công Nguyễn Văn Lục chỉ huy, phi công Nguyễn Thành Trung (người đã ném bom dinh Độc Lập ngày 08/4) dẫn đường cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) bay về phía Sài Gòn.

NGÀY NÀY NĂM XƯA: RUNG CHUYỂN SÀI GÒN NGÀY 28/4 CỦA 43 NĂM VỀ TRƯỚC

Vượt qua mạng lưới ra đa cảnh giới của địch, biên đội đã ném bom chính xác vào khu vực để máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất, làm rung chuyển cả thành phố Sài Gòn. Quân địch kinh hoàng vì bất ngờ. Pháo cao xạ và không quân của chúng không kịp phản ứng. Việc di tản bằng máy bay có cánh cố định từ sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt. Mỹ buộc phải tổ chức “chiến dịch di tản liều mạng” bằng máy bay lên thẳng.

Bộ đội không quân anh hùng đã lập thêm một chiến công làm rạng rỡ truyền thống của Quân chủng, dùng máy bay lấy được của địch đánh địch. Phi đội máy bay lập chiến công ngày 28/4 được mang tên “Phi đội quyết thắng”.

Cùng ngày 28/4/1975, ta đã giải phóng Bà Rịa.

Trong ngày 28/4/1975: Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, trao quyền nguyên thủ quốc gia cho ông Dương Văn Minh, cựu đại tướng. Lễ bàn giao diễn ra vào chiều ngày 28/4/1975.

Sau hai ngày đêm chiến đấu kể từ khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, Quân giải phóng cùng các lực lượng tại chỗ đã phá vỡ các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, cắt đứt quốc lộ 4, tăng cường vây ép Sài Gòn trên tất cả các hướng.

Các đơn vị đặc công, biệt động đã đánh chiếm làm chủ nhiều giao lộ và cây cầu dẫn vào thành phố. Bên trong thành phố Sài Gòn, lực lượng binh vận liên tục tiến công các cơ quan đầu não, vô hiệu hóa cảnh sát và bộ máy kềm kẹp các cấp của địch. Sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt do bị Quân giải phóng ném bom và pháo kích, buộc Mỹ phải tổ chức di tản bằng trực thăng trên sân thượng tòa nhà Đại sứ.

Đêm 28/4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận. 5 cánh quân tiến công tiêu diệt quân địch tại tuyến phòng thủ cận ngoài, đồng thời tiến sâu, cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm bàn đạp quan trọng, sẵn sàng đồng loạt tiến công các mục tiêu trong nội đô. Lực lượng vũ trang Quân khu 8, Quân khu 9 phối hợp tiến công và nổi dậy giải phóng đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng ngày 28/4, Trần Văn Hương trao ghế Tổng thống ngụy quyền cho Dương Văn Minh, người được đánh giá là “có xu hướng chính trị trung lập”, “đại diện cho lực lượng thứ ba”. Sau khi nhậm chức, Dương Văn Minh ra lệnh soạn thảo tối hậu thư (số 033TT/VT) gửi Đại sứ Mỹ Martin: “Tôi trân trọng yêu cầu ông đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên Cơ quan Tùy viên quân sự DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29/4/1975 để vấn đề hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết”.