Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

KÍP XE 390 HÚC ĐỔ CỔNG DINH ĐỘC LẬP NGÀY ẤY


Sau 43 năm, dù đã trở thành những chứng nhân lịch sử, nhưng các anh vẫn giữ được phẩm chất của những người lính: Không vụ lợi và biết hy sinh.

KÍP XE 390 HÚC ĐỔ CỔNG DINH ĐỘC LẬP NGÀY ẤY
Các cựu binh Nguyễn Văn Tập, Lê Văn Phượng, Vũ Đăng Toàn, Ngô Sĩ Nguyên (thứ 2, 3, 6, 7 từ trái sang) tại Lễ công bố xe tăng 390 là Bảo vật quốc gia.

Cựu binh xe tăng 390 thời bình

Tôi (phóng viên) đến cơ sở của Tập đoàn Sơn KOVA nằm trên đường Chiến Thắng quận Hà Đông (Hà Nội) gặp lại anh Nguyễn Văn Tập, cựu lái xe tăng 390. Lúc này anh Tập đang lái xe vận chuyển hàng vào kho. Nhìn anh làm việc, bất giác tôi nhớ về bức ảnh mà nữ nhà báo Pháp Francoise De Munder chụp khi anh Tập lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập 40 năm về trước. Dường như hiểu được liên tưởng của tôi, anh Tập cười: “Tay lái của mình đến nay xem ra vẫn còn chắc đấy chứ”.

Anh Tập kể: Năm 2003, khi biết các cựu binh xe tăng 390 hiện vẫn vất vả mưu sinh, PGS-TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn KOVA (người được trao giải thưởng Kovalevskaya năm 1993, nay được giới trong nghề gọi là “bà hoàng” sơn Việt - PV) đã mời các anh về Công ty làm việc. Khi đó, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390 Ngô Sĩ Nguyên vừa được một Công ty xe buýt nhận về, còn cựu pháo thủ 2 Lê Văn Phượng nhà ở xa, sức khỏe lại không được tốt nên đành cảm ơn. Chỉ còn cựu trưởng xe và lái xe 390 Vũ Đăng Toàn và Nguyễn Văn Tập là chưa có việc làm. Nhận lời mời, hai anh cùng nghĩ: “Nếu mình thật sự có thể đóng góp cho Công ty thì làm, bằng không thì thôi”. Khi gặp mặt, hai anh nói: “Chúng tôi là lính chỉ quen chiến đấu, chưa chắc đã hợp với công việc đòi hỏi kỹ thuật của nhà máy”. PSG-TS Nguyễn Thị Hòe nói: “Chúng tôi mới thành lập Nhà máy sản xuất sơn giao thông KOVA tại Hà Đông, có không ít việc phù hợp với các anh”. Anh Toàn được tin tưởng giao phụ trách nhà máy, còn anh Tập làm lái xe vận chuyển hàng kiêm thủ kho.

Không thấy anh Toàn, tôi hỏi và được anh Tập cho biết anh về quê nghỉ đã vài năm rồi. Sau đó, có dịp trò chuyện với anh Toàn, tôi được cựu trưởng xe 390 cho biết vài năm trước phải xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe (anh Toàn là thương binh - PV), nhà lại neo người. Anh Toàn tâm sự: năm đó, khi được giao phụ trách nhà máy, ban đầu anh không dám nhận, nhưng rồi được thuyết phục nên đồng ý. Lúc đầu anh làm Phó Giám đốc, đến năm 2004 được đề bạt quyền Giám đốc nhà máy. Sau vài năm hoạt động, nhà máy đi vào ổn định. Năm 2007, đơn vị chủ quản mở một cơ sở nữa tại huyện Bình Giang (Hải Dương). Do nhà neo người vì các con đều ở xa, anh Toàn xin được chuyển về Hải Dương cho gần nhà. Anh lại được giao quản lý nhà máy. “Nhưng đến năm 2009, tôi phải xin nghỉ dù vẫn lưu luyến anh em và thích công việc tại nhà máy” - anh Toàn cho biết.

Đến gặp cựu pháo thủ số 1 Ngô Sĩ Nguyên, mới hay anh vừa về nhà sau khi tham dự chuyến đi “40 năm theo dấu chân thần tốc” từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong hoạt động kỷ niệm chiến thắng 30/4 năm nay. Nhắc lại chuyện xưa, anh Nguyên tâm sự: Cũng như các đồng đội xe 390, điều mong muốn nhất sau khi xuất ngũ là có một việc làm ổn định để giúp đỡ gia đình. Anh từng làm công nhân bốc xếp tại bến Phà Đen (Hà Nội), lái xe lam, xe tải... rồi thất nghiệp. Có lần, anh mất tiền cho “cò” mà việc làm chẳng thấy đâu. Rồi vận may đến vào năm 2002 khi anh trực tiếp đến nộp đơn xin vào Công ty xe buýt 10/10. Lãnh đạo Công ty sau khi xem đơn biết anh là lính xe tăng 390 lập tức nhận ngay. Năm 2012, sau khi hai con ra trường và có việc làm ổn định, anh xin nghỉ việc. “Mới ngày nào vào Dinh Độc Lập mình chỉ ngoài hai mươi, giờ đã ngoại lục tuần rồi còn gì” - cựu pháo thủ 1 xe 390 bồi hồi nói.

Cựu pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng là thương binh, lớn tuổi nhất trong bốn cựu binh xe tăng 390. Nhắc lại chuyện hơn chục năm trước, trong khi các đồng đội có việc làm cho thu nhập tốt hơn thì anh vẫn tiếp tục hành nghề cắt tóc. Năm 2006, cơ hội đến khi Công ty Cổ phần Quốc tế Việt-Am (đơn vị độc quyền phân phối máy cân bằng i-on, sản phẩm của nhà máy Z755, Bộ Quốc phòng) mời anh Phượng làm việc với tư cách một nhà phân phối mặt hàng này tại quê nhà thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Một năm sau, Công ty Cổ phần Quốc tế Việt-Am thành lập Trung tâm tư vấn sức khỏe và giới thiệu máy cân bằng i-on tại thị xã Sơn Tây, do anh Phượng là trưởng Trung tâm. “Tuy nhiên, đến năm 2008 tôi không thể kham nổi công việc vì đã lớn tuổi”, anh Phượng cho biết. Rồi cầm trên tay bản sao cuốn nhật ký được ghi trong những năm tháng ở chiến trường của mình (bản gốc hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - PV), anh Phượng nói: “Thoáng chốc mà đã 40 năm, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại nhật ký để nhớ về đồng đội, về tuổi hai mươi của mình”.

Kỷ niệm nhỏ và ngày hội lớn

Anh Tập cho biết: “Ngày 8/3 vừa qua, chúng mình vừa tổ chức 20 năm ngày gặp mặt, một kỷ niệm riêng của cánh 390”. Tại sao có ngày kỷ niệm này, lại còn liên quan đến ngày Quốc tế phụ nữ 8/3? Thấy tôi chưa rõ, anh Tập cho biết năm 1995, đúng ngày 8/3, nữ nhà báo Pháp Francoise De Munder đã tìm tới nhà anh tại xã Hoàng Diệu (Gia Lộc, Hải Dương). “Đó là kỷ niệm đặc biệt không thể quên khi vào ngày Quốc tế Phụ nữ, lại có một phụ nữ quốc tế đến tìm mình” - anh Tập xúc động. Khi nhận ra anh Tập chính là người trong bức ảnh mình chụp sau khi xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, bà Munder hỏi tiếp anh về những thành viên còn lại của xe. Anh Tập nhớ đến đồng đội Vũ Đăng Toàn, ở cùng huyện, xã Yết Kiêu. Sau đó, bà Munder tìm gặp thêm anh Phượng, còn anh Nguyên tìm mãi không ra. Năm 1996, đạo diễn Việt Tùng đã tìm được anh Nguyên, sau đó làm nên bộ phim “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy”, góp phần xác định xe 390 mới là xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính để tiến vào Dinh Độc lập.

Từ đó, các cựu binh xe tăng 390 lấy ngày 8/3 để đánh dấu ngày tái ngộ. Bởi sau chiến thắng 30/4/1975 không lâu, bốn thành viên xe tăng 390 chuyển dần đơn vị rồi chẳng có dịp hội tụ đầy đủ cùng nhau. “Ngày 8/3 năm nay đánh dấu 20 năm, nên cánh 390 thống nhất làm tại nhà tôi, mời vợ của bốn đồng đội cùng tham gia” - anh Tập cho biết. Hôm đó, các anh có dịp nhìn lại quãng thời gian đã qua sau khi được “tìm thấy” và được hội ngộ cùng nhau. Đó là quãng thời gian 20 năm, chẵn một nửa so với 40 năm vào Dinh Độc Lập. 20 năm qua, bằng sức lao động của chính mình, các anh người đã có nhà mới, người sửa lại nhà cũ khang trang hơn, con cái đã trưởng thành. Chỉ có các anh là không thay đổi, vẫn giữ được phẩm chất của những người lính, không vụ lợi và luôn biết hy sinh.

Nhớ lại năm 2012, anh Tập rồi anh Nguyên đã vui mừng gọi điện báo cho tôi xe tăng 390 được công nhận là Bảo vật quốc gia. Các anh cho biết, cứ vào dịp 30/4 hằng năm họ lại được mời trở lại Dinh Độc lập để kỷ niệm chiến thắng. Năm nay (năm 2015), bốn cựu thành viên xe tăng 390 cùng vợ lại được mời về Hội trường Thống Nhất để kỷ niệm 40 năm chiến thắng 30/4 lịch sử.