Tin tức về việc Bộ Công an tinh gọn bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, hiệu lực đang nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là bước đi tiên phong và là bước đột phá táo bạo của ngành Công an, bởi tinh gọn bộ máy sẽ kéo theo nhiều vấn đề về cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao.
Hiển nhiên là, nếu cứ lo về chuyện dư thừa cán bộ thì sẽ không thể tinh gọn được bộ máy tổ chức.
Trong khi dư luận hoan nghênh thì TS Phạm Chí Dũng lại một lần nữa lợi dụng sự kiện này để kích động tạo ra mâu thuẫn giữa Quân đội và Công an, là 2 lực lượng quan trọng nhất của chế độ. Điều gì sẽ xảy ra nếu như 2 lực lượng này mất đoàn kết? Chắc chắn mọi người đều đã có câu trả lời.
Trong bài viết "Bị xóa cấp Tổng cục, Bộ Công an thất thế nặng nề trước Bộ Quốc phòng?" đăng trên tờ CaliToday, Dũng viết "Trong khi giao Đảng ủy Công an trung ương xây dựng Đề án 106 về “cải tổ” ngành Công an, ông Nguyễn Phú Trọng lại không đả động gì đến bộ máy hiện hữu của Bộ Quốc phòng".
Dẫn ra những ví dụ về Vũ Nhôm và Nguyễn Thanh Hóa, Phạm Chí Dũng hàm hồ kết luận rằng, "Bộ Công an đang chịu quá nhiều tai tiếng và vì thế nó lọt vào tầm ngắm của Tổng bí thư và nếu sắp xếp lại, hủy bỏ cấp trung gian thì sẽ bị hủy bỏ vai trò của chúng (các cấp trung gian), kéo theo ghế và bổng lộc của nhiều quan chức Công an sẽ không còn nữa" và rằng, nó "cho thấy đòn “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng đã giáng thẳng vào cơ quan bộ vẫn được xem là “bất khả xâm phạm” này".
Loanh quanh một hồi, Phạm Chí Dũng kết luận rằng, "dù vẫn còn giữ vai trò “thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng”, nhưng Bộ Công an đã lộ ra những dấu hiệu bị giảm sút nghiêm trọng đặc quyền “bất khả xâm phạm”, nếu so sánh thực trạng của cơ quan này với Bộ Quốc phòng và Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo).... trong khi Bộ Công an mất toàn bộ cấp Tổng cục thì Bộ Quốc phòng vẫn được giữ nguyên Tổng cục Chính trị, Tổng cục Tình báo, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng".
Trước hết cần nói rằng, việc tinh gọn bộ máy ngành Công an, nói theo cách của Phạm Chí Dũng là cải tổ bộ máy, xuất phát từ yêu cầu khách quan của thực tiễn chứ hoàn toàn không phải vì tình cảm cá nhân hay vì những con sâu trong ngành.
Khi tình hình thay đổi, nhiệm vụ chính trị thay đổi, thì tất nhiên Bộ máy tổ chức và nhân sự cũng cần có sự điều chỉnh để đáp ứng. Không thể cứ giữ nguyên một bộ máy cho dù nó chạy êm ru ở giai đoạn trước. Đó chính là tính lịch sử của vấn đề.
Rõ ràng lãnh đạo Bộ Công an đã nhận ra vấn đề, một bộ máy cồng kềnh, có nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đơn vị cùng thực hiện một chức năng dẫn tới trùng dẫm trong thực thi nhiệm vụ, làm giảm hiệu quả tác chiến, không phát huy hết khả năng của từng cán bộ chiến sĩ và cũng là gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Từ góc nhìn khác, tổ chức bộ máy cồng kềnh sẽ dẫn đến rườm rà về thủ tục hành chính và rất có thể là cơ hội cho các nhóm lợi ích phát sinh.
Phạm Chí Dũng viết ám chỉ rằng, việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy là do áp lực từ bên trên, nhưng sự thật thì không phải như vậy. Đề án tinh gọn bộ máy ngành Công an là do chính ngành Công an xây dựng, đề xuất chứ không phải do tác động từ bên ngoài hay bên trên. Đây là kết quả đạt được dựa trên cơ sở đề án số 106 do Đảng ủy Công an Trung ương tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện từ sau Đại hội XII và tới nay được Bộ Chính trị phê duyệt. Khi đề xuất, ngành Công an đã trình 2 phương án và phương án xóa bỏ các Tổng cục, hạ cấp 2 Bộ Tư lệnh được chọn lựa. Theo đó bộ máy ngành Công an sẽ không còn tầng nấc trung gian, các đơn vị cấp cục và tương đương chỉ còn lại một nửa là 60 đầu mối.
Phát biểu về vấn đề này trước báo giới, GS Lê Văn Cương nói rằng: việc Bộ Công an dự định tinh giản các tầng, nấc trung gian đã được tính toán thực hiện từ vài năm trước. Để bỏ hẳn cấp tổng cục và giải thể, sáp nhập nhiều cục, vụ là một đột phá lớn bởi trước đó, quá trình dự thảo có cả phương án giữ lại hai đầu mối nòng cốt là Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh. Tôi có 40 năm làm trong ngành Công an, qua 6 đời bộ trưởng thì đây là cuộc cách mạng của tổ chức, cho thấy quyết tâm chính trị cao trong Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an".
Phát biểu của GS Cương một lần nữa cho thấy, việc tinh gọn bộ máy ngành Công an trước và chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nội tại của ngành.
Không thể nói rằng, việc bắt Vũ Nhôm và tướng Nguyễn Thanh Hóa hay vì một vài hiện tượng tiêu cực trong ngành mà nói rằng uy tín của ngành Công an giảm sút được. Trái lại, việc chống tiêu cực được triển khai sâu rộng trong ngành, việc quyết liệt xử lý nghiêm ngay cả với những sĩ quan cấp tướng đã từng có cống hiến lớn lao cho xã hội, nay bị tha hóa, biến chất, đã cho thấy Công an vẫn luôn là thanh bảo kiếm của chế độ. Chính sự kiên quyết thanh lọc ra khỏi bộ máy những con sâu và minh bạch trước công luận mà uy tín của ngành Công an được nâng lên.
Nhìn ra các quốc gia khác như Pháp hay Hàn Quốc... ta thấy Tổng thống cũng còn có thể bị đem ra truy tố trước pháp luật. Nhưng không vì thế mà nói rằng uy tín của Pháp hay Hàn Quốc xấu đi trong mắt dư luận.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Phạm Chí Dũng cố tình so sánh việc Bộ Chính trị đồng ý cho Bộ Công an tiến hành Đề án 106 (nhưng được diễn đạt là Bộ chính trị yêu cầu hoặc không đồng ý để ám chỉ rằng, Bộ Công an bị bắt phải làm việc đó) với việc Quân đội vẫn giữ nguyên để cho rằng Bộ Công an bị thất sủng. Cách viết này một mặt hạ uy tín của ngành Công an và mặt khác tạo ra sự đối chọi giữa 2 lực lượng này.
Quân đội có quân số đông và nhiệm vụ của họ cũng khác với Công an, do đó Quân đội cần có một bộ máy tổ chức với cơ cấu khác hẳn Bộ Công an. Điều này là dễ hiểu nếu so sánh cơ cấu tổ chức bộ máy của quân đội các nước với tổ chức bộ máy cảnh sát của họ. Không nhất thiết Quân đội có tổ chức nào thì Công an phải có tổ chức tương tự. Vấn đề là tối ưu hóa bộ máy đó để nó phát huy hiệu quả, hiệu lực mà thôi.
Lời khuyên cho TS Phạm Chí Dũng: hãy tìm việc tử tế mà làm, đừng giở trò "đâm bị thóc, chọc bị gạo" bẩn thỉu ra nữa.