Những ngày cuối tháng 8 năm 1969, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã quyết định nhờ Liên Xô cử Đoàn chuyên gia làm công tác giữ gìn thi hài sang giúp đỡ Việt Nam việc giữ gìn thi hài của Bác.
Thể hiện lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng, Chính phủ Liên Xô đã cử Đoàn chuyên gia gồm 5 người, do đồng chí X.X Đê-bốp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Y học Liên Xô làm Trưởng đoàn, cùng Viện sĩ I.M Lô-pu-khin, Giáo sư I.N Mi-khai-lốp, Tiến sĩ I.A Khô-rô-xcốp và Bác sỹ G.N Sa-tơ-rốp sang Việt Nam. Và họ đã đáp chuyến bay bí mật sang Việt Nam ngay cả với vợ con của mình.
Và đến lúc thời điểm đau thương nhất đã xảy ra... Vào 9 giờ 47 phút ngày mồng 02 tháng 9 năm 1969, Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta và bầu bạn ta trên khắp thế giới phải giã từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nén lại đau thương, trước sự ra đi của Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Việt Nam, một người bạn lớn của nhân dân Liên Xô và nhân dân thế giới, Đoàn chuyên gia đã có mặt tại Quân y viện 108 để bắt đầu "công việc đặc biệt". Các chuyên gia Nga và Tổ Y tế đặc biệt đã luôn làm việc hết sức mình.
Sau những ngày Quốc tang, xét thấy Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới nóng ẩm và đang có chiến tranh ác liệt, nên việc giữ gìn thi hài sẽ cực kỳ khó khăn, đoàn chuyên gia đề nghị sau Lễ Quốc tang, cần đưa thi hài Bác sang Liên Xô, nơi có đủ điều kiện về môi trường và trang thiết bị để giữ gìn.
Trước lời đề nghị thẳng thắn, chân thành đó, ta đã khéo léo trao đổi việc đưa thi hài Bác sang Liên Xô là không thể được, vì trái với đạo lý của dân tộc Việt Nam, không phù hợp với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân ta.
Vậy ai là người đã thuyết phục được Đoàn chuyên gia của bạn đồng ý để thi hài của Bác ở lại Việt Nam?
Theo lời kể của Đại tướng Lê Đức Anh :
Lúc đó, hơn 1 giờ sáng, sau cuộc họp Bộ Chính trị, anh Lê Duẩn đến nhà khách của Chính phủ, nơi nghỉ của đồng chí Kô-xư-ghin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô sang dự Lễ tang của Bác để trực tiếp trao đổi và đề nghị với Đoàn việc nhất quyết phải giữ thi hài của Bác ở lại Việt Nam.
Đồng chí Lê Duẩn nói:
“Các đồng chí biết Bác Hồ của chúng tôi đối với dân tộc Việt Nam là thiêng liêng như thế nào. Nhất là đối với đồng bào miền Nam, họ hy sinh chiến đấu để được độc lập, thống nhất và cũng là để được gặp Bác cho toại nguyện. Bác cũng rất muốn vào Nam gặp đồng bào Miền Nam, nhưng sức khỏe của Bác không cho phép. Vì vậy chúng tôi phải giữ thi thể của Bác để đồng bào Miền Nam chúng tôi được thấy dung nhan của Bác sau ngày chiến thắng.
Chúng tôi biết, ngoài Liên Xô ra, không nước nào có kỹ thuật gìn giữ thi thể. Nếu Liên Xô nói phải đưa thi thể Bác sang Liên Xô mới giữ được thì chúng tôi đành phải chôn Bác, bởi vì nếu chúng tôi đưa Bác sang thì nhân dân chúng tôi sẽ nói Bộ Chính trị đã phản bội, đưa Bác đi đâu rồi! Và khi quyết định chôn Bác, chúng tôi sẽ nói với đồng bào chúng tôi: Chỉ có Liên Xô mới có kỹ thuật giữ thi thể của Bác, nhưng vì Liên Xô không chịu làm, nên Bộ Chính trị đau lòng gạt nước mắt để chôn Bác”.
Sau những buổi bố trí cho Đoàn chuyên gia quan sát, chứng kiến tình cảm đau buồn khi Bác mất của hàng chục vạn lượt người ở Hội trường, ở Quảng trường Ba Đình và nhiều tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội, đồng chí Kô-xư-ghin hiểu rằng việc đưa thi hài Bác đi Liên Xô là điều không thể tưởng tượng được đối với nhân dân Việt Nam.
Nghe anh Duẩn nói xong, đồng chí Kô-xư-ghin liền nói: “Thôi thôi, tôi sẽ gọi chuyên gia của chúng tôi đến ngay và ra lệnh cho họ phải giữ thi hài Bác Hồ ngay tại Việt Nam. Nếu thiếu phương tiện gì, tôi sẽ điện về Mat-xcơ-va đưa sang ngay bằng chuyên cơ”.
Sau đó, thi hài của Bác đã được chuyên gia Liên Xô giữ lại ngay tại Việt Nam. Và cho đến hôm nay ngày ngày chúng ta lại được vào lăng viếng Bác, lại được nhìn thấy khuôn mặt phúc hậu của Người.
Bên cạnh đó việc giữ gìn thi hài của Bác mang lại một ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đồng thời góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Đây chính là cách tuyên truyền tốt nhất về tinh thần, tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ kính yêu.!!!