Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Ai bảo vệ họ khi người thi hành công vụ bị hành hung, tấn công?



Người thi hành công vụ, họ là ai? Theo pháp luật hiện hành của nước ta, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ. Nhiệm vụ của họ là thi hành một công vụ hợp pháp, trong đó có việc bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đã có nhiều trường hợp “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong khi thi hành công vụ đã bị thương tích dẫn đến tàn tật, phơi nhiễm HIV, thậm chí hy sinh cả tính mạng, bỏ lại gia đình, vợ trẻ, con thơ và biết bao hoài bão chưa thực hiện được…

Ấy vậy mà, buồn thay khi thời gian qua tình trạng hành hung, chống người thi hành công vụ đã xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đây không phải là một vấn đề mới nhưng đang gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, trong đó phải kể đến lực lượng Công an nhân dân, nhất là đối với cảnh sát giao thông (CSGT). Các vụ việc hành hung, chống đối CSGT không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của những người đang thực thi công vụ. Có không ít cán bộ CSGT đã bị thương, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ do đối tượng chống đối gây ra, đây là vấn đề gây nguy hiểm cho xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Ai bảo vệ họ khi người thi hành công vụ bị hành hung, tấn công?
Đối tượng Đoàn Thanh Hải
Nhiều vụ người vi phạm hành hung, tấn công CSGT đã bị khởi tố, nhưng thực tế cho thấy số đối tượng bị khởi tố vẫn còn quá ít so với mức độ nghiêm trọng của sự việc. Gần đây nhất, ngày 23/4/2018, tại xã Cư An - huyện Đak Pơ, Đại úy Nguyễn Văn Bình - cán bộ Đội 2-19 thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Gia Lai trong quá trình làm nhiệm vụ, bị tài xế Đoàn Thanh Hải lăng mạ, chửi bới và liên tục đánh vào đầu, bụng. Sự việc được người dân chứng kiến quay clip đưa lên mạng xã hội khiến dư luận rất bức xúc trước hành vi của Hải. Vụ việc được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đak Pơ xác minh, điều tra làm rõ và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đoàn Thanh Hải về hành vi chống người thi hành công vụ.

Ý thức kém hay pháp luật chưa đủ nghiêm?

Theo Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, nguyên nhân chính của tình trạng hành hung, chống đối CSGT đang làm nhiệm vụ là do người tham gia giao thông không chấp hành Luật giao thông đường bộ. Khi bị CSGT xử phạt, người vi phạm thường xin xỏ, đưa hối lộ hoặc có hành vi chống đối như: không xuất trình giấy tờ, xúc phạm, đe dọa, xô đẩy, lợi dụng đám đông để gây sức ép với CSGT. Manh động hơn, một số người còn sẵn sàng đốt xe môtô, dùng hung khí hay vũ lực hành hung, gây thương tích cho CSGT, quay xe ngang đường làm ùn tắc giao thông... khiến dư luận bức xúc. Ngoài ra, những quy định của pháp luật về xử lý các hành vi hành hung, chống đối người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức giáo dục, răn đe. Nhiều vụ hành hung, chống đối CSGT chỉ mới xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức từ 2 - 5 triệu đồng theo điểm a, khoản 3, Điều 20, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ hay theo Điều 330, Bộ Luật Hình sự 2015 thì mức phạt cao nhất với hành vi chống người thi hành công vụ là 7 năm tù giam.

Một nguyên nhân khác là do những tác động tiêu cực của mạng xã hội, nguồn thông tin không chính thống, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực bên ngoài; những “con sâu làm rầu nồi canh” tạo ra tâm lý bức xúc và thù hằn từ trước, khi có va chạm với lực lượng thi hành công vụ, dù là nhỏ, người vi phạm dễ dàng trở nên quá khích và có những hành động thiếu kiểm soát, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Do đó cần lên án, xử lý nghiêm hành vi hành hung, chống người thi hành công vụ

Câu chuyện hành hung, tấn công người thi hành công vụ xảy ra ngày một nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại, cho thấy cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt tình trạng này, ổn định trật tự an toàn xã hội và cũng để lực lượng thi hành công vụ yên tâm công tác, thực thi pháp luật.

Vì thế đối với người thi hành công vụ, họ cần được bảo vệ để yên tâm làm việc và cống hiến. Còn với mỗi công dân cần nâng cao khả năng “miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc, tự điều chỉnh hành vi, thái độ và cách ứng xử của mình, tránh bộc phát, nóng giận, mất kiểm soát gây hậu quả đáng tiếc.

Cho dù ở khía cạnh nào, việc hành hung, chống người thi hành công vụ cũng là coi thường pháp luật. Cần trừng trị nghiêm minh những kẻ ngang ngược, ngông cuồng, ý thức kém, xem thường luật pháp. Dư luận phải lên án mạnh mẽ để đẩy lùi tình trạng này, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Dân Tiên