Được bầu vào Ban Bí thư, ông Trần Cẩm Tú vẫn là một nhân vật chưa mấy quen thuộc với đời sống chính trị Việt Nam. Vốn là dân lâm nghiệp, ông Trần Cẩm Tú từ huyện Hương Sơn chỉ quá cảnh chốc lát ở Tỉnh ủy Hà Tĩnh rồi ra thẳng trung ương.
Tiếp xúc với ông Trần Cẩm Tú rất dễ cảm tình. Bởi lẽ, ngoài tố chất bộc trực của người Nghệ Tĩnh, ông Trần Cẩm Tú vẫn còn sự trong sáng của người sinh trưởng tại miền núi ít bị lây nhiễm thị phi phố xá chen lấn. Trong giao tế, ông Trần Cẩm Tú không tỏ ra thân thiết với ai mà cũng không tỏ ra sợ sệt ai. Ấn tượng mà ông Trần Cẩm Tú để lại cho người khác là thói quen rít thuốc lá liên tục rồi đưa hàm răng ám khói ra cười khì khì!
Thử thách đầu tiên của ông Trần Cẩm Tú là ghế Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. Sau khi ông Nguyễn Hạnh Phúc chuyển lên làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì vị trí người đứng đầu quê hương năm tấn là cuộc cạnh tranh giữa ông Phạm Văn Sinh và ông Nguyễn Hồng Diên.
Phạm Văn Sinh được đào tạo kỹ sư nông nghiệp. Khi Phạm Văn Sinh làm Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ thì xảy ra sự cố biến động Thái Bình 1997, từ đó mọi kiến thức trồng trọt và chăn nuôi của ông đều dồn vào giấc mộng quan trường! Phạm Văn Sinh mặt mũi lạnh tanh và ăn nói nhát gừng, hoàn toàn trái ngược với Nguyễn Hồng Diên mặt mũi khôi ngô và ăn nói linh hoạt. Nguyễn Hồng Diên là con rể của ông chủ Bia Đại Việt nức tiếng giàu sang!
Ông Trần Cẩm Tú đã làm Bí thư Thái Bình suốt một nhiệm kỳ bình ổn, dung hoà được hai thái cực Phạm Văn Sinh và Nguyễn Hồng Diên!
Bây giờ, ông Trần Cẩm Tú đảm nhận Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong cuộc chiến chống tham nhũng đang nhóm lò hừng hực, thì vai trò của ông Trần Cẩm Tú không khác gì một người canh lửa. Sứ mệnh của ông Trần Cẩm Tú đáng được hy vọng và tin cậy, bởi tiền bối của ông là cố Tổng Bí thư Trần Phú dấn thân làm cách mạng không phải để cán bộ hôm nay nhũng nhiễu và tham lam vô độ!
Dân chúng đang chờ xem ông Trần Cẩm Tú rít thuốc lá và cười khì khì: "Lò vẫn đủ nhiệt cần thiết! Cháy tốt, cháy nốt!". Và nhiệm vụ trước mắt của ông Trần Cẩm Tú chính là dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm "thu hồi đất của dân chỉ đền bù 18 triệu đồng/ m2, để cho doanh nghiệp tư nhân bán lại 350 triệu đồng/ m2" với các loại củi khô, củi tươi, củi to lẫn củi... hưu!