Dù bị các luật sư phản bác, thậm chí dùng thủ đoạn để đánh lạc hướng, làm loãng vấn đề, dù bị báo chí và một số ĐBQH phát biểu gây sức ép, nhưng cuối cùng, tòa vẫn kiên định, vững vàng, không chạy theo dư luận.
Chị Kiểm sát viên xinh đẹp Bùi Thị Thu Hằng hôm nay đã có kết luận đẹp, đúng vào trọng tâm, đi vào bản chất vụ án: Hoàng Công Lương vượt thẩm quyền khi ra lệnh chạy thận.
Với kết luận ấy, tôi khen.
Vấn đề chính của vụ án là BS Lương ra y lệnh trong khi máy móc chưa đảm bảo an toàn làm 9 bệnh nhân tử vong.
BS Lương cãi rằng, anh chỉ được đào tạo làm BS chữa bệnh cứu người chứ không được đào tạo để sửa máy móc kỹ thuật. Các luật sư và ngay cả mấy anh ĐBQH cũng tuyên ngôn rằng, BS không thể và không phải chịu trách nhiệm về những gì mà họ không được đào tạo.
BS Lương có quyền tự bảo vệ mình bằng các lý lẽ, chứng cứ và các luật sư nhận tiền của BS Lương để bảo vệ cho anh là hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng ĐBQH mà bắc cho nghe hơi, hóng hớt qua mạng để kết luận BS Lương không có tội, qua đó lên án Bồi thẩm đoàn, gây sức ép tới tòa là điều khó chấp nhận.
Trở lại vấn đề chính.
Trong ngày làm việc trước, kiểm sát viên cho rằng bị cáo Hoàng Công Lương phải chịu trách nhiệm về hậu quả 9 người chết trong vụ án. Rõ ràng, không có y lệnh của anh, không có ai bị chết.
Một trong các tình tiết quan trọng nhất của vụ án là, chính BS Lương đã ký văn bản đề nghị sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 dùng cho chạy thận.
Nếu không được giao phụ trách, "không được đào tạo về kĩ thuật" như lời anh bào chữa, thì cớ sao anh lại ký văn bản đề nghị sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 dùng cho chạy thận?
Hành vi ký đề nghị sửa chữa hệ thống RO của BS Lương về mặt pháp lý đã làm phát sinh trách nhiệm của người ký. Việc ký văn bản đề xuất sửa chữa máy móc đó đã cho thấy BS Lương vừa là người ký đề xuất, vừa phụ trách chuyên môn, vừa biết rõ việc sửa chữa.
Cũng như BS Lương và luật sư của anh vẫn bào chữa mọi việc không thể nói bằng mồm để quy trách nhiệm, mà phải bằng văn bản, thì ở đây, BS Lương không thể nào chỉ nghe 1 điều dưỡng thông báo bằng mồm rằng, máy móc đã xong và cứ thế ra y lệnh.
Tình tiết quan trọng nhất là máy móc chưa được kiểm tra độ an toàn và bàn giao bằng văn bản cho BS Lương, nhưng Lương đã ra y lệnh cho sử dụng vào ngày 29/5/2017. Vì y lệnh này 9 bệnh nhân đã tử vong oan ức do lượng axit tồn dư trong nước đi vào người bệnh.
Một bác sĩ có trách nhiệm, lương tâm với nghề thì dứt khoát phải kiểm tra máy móc xem đã an toàn chưa, sửa chữa xong chưa, và phải nhận bàn giao bằng văn bản, sau đó phải báo cáo cấp trên mới được ra y lệnh. Rất tiếc, Lương không làm được điều này. Chính BS Lương cũng thừa nhận chưa kiểm tra, không báo cáo cấp trên, do đó Lương phải chịu trách nhiệm việc đưa máy móc vào vận hành.
Ai cũng rõ, người được đào tạo chuyên môn về chạy thận nhân tạo buộc phải biết chất lượng nước bơm vào người bệnh theo quy trình lọc máu gồm 8 bước trong đó bước 1 là kiểm tra máy trong tình trạng vô trùng. Anh Lương đã sai ở bước này, vì thế VKS mới kết luận là "vô ý làm chết người".
Trong Hồ sơ vụ án, BS Lương thừa nhận được giao phụ trách, ký duyệt y lệnh, bệnh án cho các bác sĩ khác. Lời khai này phù hợp với lời khai của bị cáo khác và những người có liên quan.
Xin nhắc lại điều mà tôi đã viết trong bài trước (xem ở đây) rằng: Sẽ không có ai chết, nếu anh cẩn thận kiểm tra lại máy móc, nhận bàn giao bằng văn bản từ tổ kỹ thuật, và ra y lệnh.
Dù không cố ý giết người, nhưng BS Lương đã "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng". 36 tháng án treo là quá nhẹ.
Nói thêm, nếu xét dưới góc độ pháp lý, anh Quốc và anh Sơn sẽ được tuyên vô tội vì chưa bàn giao máy móc cho anh Lương bằng biên bản bàn giao.
***
P/s: Dự là kết quả có thể không đúng với thực tế. Hãy hóng tiếp nhé...