Từ khi có dự thảo về Luật biểu tình trình Quốc hội thảo luận và thông qua, nhiều đối tượng xấu đã thực hiện âm mưu tuyên truyền, tác động mọi phía để Quốc hội gấp rút thông qua một cách nhanh chóng đạo luật này.
Hình minh họa |
Các thế lực thù địch luôn trong đợi Quốc hội sớm thông qua Luật biểu tình để chúng dựa vào đó thực hiện nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn, gây bất ổn trong xã hội Việt Nam. Một văn bản pháp luật quan trọng như Luật biểu tình cần xóa bỏ mọi kẽ hở pháp lý, không để cho các đối tượng xấu lách luật thực hiện âm mưu phá hoại đất nước ta.
Luật biểu tình nếu được thông qua sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để định hướng và quản lý các hoạt động biểu tình, tập trung đông người tại nơi công cộng. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ lưỡng và nghiên cứu chi tiết mà vội vàng thông qua thì hậu quả sẽ rất lớn. Các đối tượng xấu sẽ lợi dụng kẽ hở của Luật để thực hiện vô số các hoạt động biểu tình gây rối trật tự công cộng, cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự.
Biểu tình là quyền Hiến định của người dân, do vậy Luật biểu tình là một đạo luật “hướng dẫn thực hiện Hiến pháp” về quyền biểu tình. Thế nhưng, đó không phải lý do để Quốc hội phải gấp rút thông qua trong khi còn rất nhiều văn bản pháp luật quan trọng khác cần được thông qua sớm hơn Luật biểu tình. Cho đến nay, khi chưa có Luật biểu tình thì tình hình chính trị - xã hội tại nước ta đang rất ổn định, các lực lượng chức năng như Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đang thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình nên người dân vẫn thực hiện tốt các quyền Hiến định của mình.
Xin hãy nhớ về thời điểm cách đây không lâu khi Quốc hội vội vã thông qua Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nên đã tồn tại một số lỗi khá nghiêm trọng, điều này dẫn đến phải hoãn hiệu lực thi hành và Quốc hội đã phải thảo luận lại và thông qua trong kỳ họp sau. Đây là điều khá đáng tiếc khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hy vọng Luật biểu tình không bị rơi vào tình trạng này.
Dự kiến Luật biểu tình sẽ được đưa ra thảo luận trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV. Luật biểu tình đang dần hoàn thiện và sẽ sớm được Quốc hội thông qua theo đúng kỳ vọng của nhân dân. Sự hối thúc của các tổ chức xã hội dân sự hay thế lực thù địch luôn nhằm mục đích xấu, không vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Việc xây dựng Luật Biểu tình cũng đã được quy định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; cụ thể: “Xây dựng các đạo luật về lập hội, biểu tình nhằm xác định rõ quyền, trách nhiệm của công dân trong việc thực thi quyền dân chủ và trách nhiệm của Nhà nước trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng”.
Hãy để Quốc hội khóa XIV có đủ thời gian nghiên cứu thảo luận từng quy định trong Luật biểu tình, để văn bản pháp luật này được hoàn thiện nhất, không xảy ra sai sót trong quá trình lập pháp, không để các đối tượng xấu lợi dụng chống phá đất nước ta.