Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017 cả nước đưa được 134.751 lao động đi nước ngoài làm việc, vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi xuất khẩu trong năm 2016. Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Phần lớn, người lao động Việt Nam đi sang các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Macau và một số quốc gia Trung Đông... (95%); số còn lại sang lao động tại một số nước Châu Âu và Châu Mỹ.
XKLĐ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát huy tối đa nguồn nhân lực; giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo; phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật với các nước trên thế giới; đào tạo lực lượng lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, chuyên môn… Tuy nhiên, chất lượng nhân lực xuất khẩu lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, chủ yếu do phần lớn người lao động (NLĐ) thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu thông tin, trình độ học vấn thấp, ý thức kỷ luật trong lao động chưa cao, còn mang nặng tập quán địa phương, tâm lý ngại đi xa... Thực trạng trên, đã và đang đặt ra nhiều thách thức, những nguy hiểm khó lường, dễ bị các công ty, trung tâm giới thiệu việc làm “ma” lợi dụng, lừa đảo. Trong những năm qua, hàng loạt vụ việc lừa đảo XKLĐ bị phát hiện và xử lý như ở Hà Nội, Hà Tĩnh; cay đắng hơn, các đối tượng bắt đầu tìm đến người đồng bào dân tộc thiểu số, những người nhẹ dạ, cả tin, sự hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế, thiếu những thông tin về XKLĐ để lừa đảo như ở Gia Lai, Đắk Lắk...
Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo XKLĐ |
Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, với sự phát triển vượt bậc của Internet, đặc biệt là sự ra đời của mạng xã hội. Trên mạng xã hội facebook, ngày càng có nhiều hội, nhóm về XKLĐ với số lượng thành viên rất đông đảo như: Hiệp hội anh chị em xuất khẩu lao động, Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, Hội du học sinh - xuất khẩu lao động tại Nhật Bản… Những hội, nhóm này là môi trường lí tưởng, là nơi trao đổi kinh nghiệm giữa những người đã XKLĐ, những người đang có nhu cầu XKLĐ và những người tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số bài viết, clip có nội dung liên quan đến lừa đảo XKLĐ, NLĐ bị ngược đãi, đánh đập, bỏ đói, việc đưa phụ nữ ra nước ngoài bán vào các ổ mại dâm; việc bị nhà môi giới xuất khẩu bỏ mặc ngay sau khi sang nước ngoài, nhận được việc làm không theo nội dung như trong hợp đồng, một số rơi vào tình trạng việc làm lúc có lúc không, bị quỵt lương, bị chuyển nơi làm việc nặng liên tục... Một số cá nhân đã lợi dụng những tin, bài trên để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về XKLĐ, nói xấu chế độ, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, nhất là những người đã và đang có nhu cầu đi XKLĐ. Cá biệt, có một số trường hợp thông qua XKLĐ đã bị lôi kéo tham gia vào các tổ chức, hội nhóm, tổ chức phản động ở nước ngoài, nhằm thực hiện các hoạt động tuyên truyền, chống phá Việt Nam.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng và như hiệu quả của hoạt động xuất khẩu lao động cũng như phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực XKLĐ cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
Một là, cấp ủy chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị và quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác XKLĐ theo tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 22/9/1998 về xuất khẩu lao động và chuyên gia; đối với người lao động, cần triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về pháp luật, đặc biệt là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; khuyến cáo rộng rãi đến người dân, khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thì người lao động cần liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương, các công ty có chức năng XKLĐ.
Hai là, nâng cao trách nhiệm của các công ty tuyển dụng nhân lực đi XKLĐ, phải có những quy định chặt chẽ hơn để hạn chế những đơn vị không có đủ điều kiện, không đúng chức năng. Việc thanh lọc các đơn vị này sẽ giúp hạn chế các hành vi tiêu cực. Các doanh nghiệp cần phải công bố thông tin một cách công khai, minh bạch về các điều kiện, thủ tục, tiêu chuẩn tuyển chọn, mức lương và nhất là chi phí XKLĐ đối với từng thị trường; chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các chi nhánh, trung tâm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cảnh giác của người dân khi tham gia vào hoạt động XKLĐ ở nước ngoài, giúp người dân lựa chọn cho mình những nguồn thông tin chính thống, kịp thời đấu tranh, phản bác lại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, không tham gia vào các hội nhóm phản động; các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe… của NLĐ, vận động NLĐ chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại, về nước đúng thời hạn khi kết thúc hợp đồng, không ở lại bất hợp pháp, tránh để xảy ra tình trạng lan truyền thông tin xấu, ảnh hưởng đến tâm lý những lao động đã XKLĐ và đang có nguyện vọng XKLĐ.
Bốn là, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện và các xã, thị trấn, nơi có trụ sở của các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động, phải tăng cường, chủ động kiểm tra, giám sát các hoạt động, diễn biến tình hình XKLĐ của các công ty, doanh nghiệp đến tuyển nhân lực đi XKLĐ đảm bảo đúng quy định của phảp luật; nắm bắt một cách kịp thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng việc thực hiện chính sách lao động làm việc ở nước ngoài để hoạt động trái với quy định của pháp luật, đảm bảo người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi hợp pháp. Trong nhiều trường hợp, khi sắp bị phát hiện sai phạm, hoặc đã thu tiền lừa đảo XKLĐ xong, các đơn vị XKLĐ lại chuyển qua địa bàn khác để hoạt động. Do vậy, các cơ quan chức năng ở các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để phát hiện.
Năm là, làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, ban, ngành với chính quyền địa phương và người lao động để kịp thời tiếp thu ý kiến phản hồi, có phương hướng xử lý kịp thời khi có tình huống đột xuất xảy ra, đảm bảo an ninh, an toàn cho NLĐ khi tham gia lao động tại nước ngoài.
Dân Tiên