Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

CẢNH BÁO MỘT SỐ THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO TRÊN INTERNET


Hiện nay, Internet đang là kênh thông tin phong phú, là phương tiện đắc lực giúp con người mở mang tri thức, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tình cảm, rút ngắn khoảng cách giữa người với người, giữa các quốc gia và các dân tộc trên thế giới. Đặc tính của Internet là tương tác thông tin đa chiều, kết nối xã hội và tìm kiếm thông tin theo nhu cầu.

CẢNH BÁO MỘT SỐ THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO TRÊN INTERNET

Internet đã hiện diện xung quanh chúng ta mọi lúc, mọi nơi, là phương tiện truyền thông liên cá nhân như thư điện tử (e-mail), điện thoại internet, video call, nhắn tin, tán gẫu qua mạng (Chat), diễn đàn (Forum), website nội bộ, blog (nhật ký, website cá nhân trên mạng Internet). Internet đã tạo được một môi trường liên lạc nhanh và tiết kiệm chi phí cho các cá nhân hay tổ chức giao dịch với nhau mà vẫn đảm bảo các yêu cầu như các liên lạc truyền thống hiện nay như gửi thư, điện thoại, hay fax. Internet còn đảm nhiệm chức năng của một phương tiện truyền thông tập thể. Hơn thế nữa, chức năng quan trọng của Internet là chức năng của một phương tiện truyền thông đại chúng, đó là một phương tiện truyền thông vượt qua rào cản không gian và thời gian.
Từ khi có internet mọi việc dường như được thực hiện một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được thời gian, chi phí... như nắm bắt thông tin từ các nguồn khác nhau, giải trí, tán gẫu, mua bán hàng qua mạng, chuyển khoản... Bởi vì nó cho phép người dùng giao lưu, chia sẻ thông tin một cách hiệu quả, vượt qua ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian. Những lợi ích mà internet mang lại cho chúng ta rất nhiều và tác động tích cực đến cuộc sống nhưng bên cạnh đó nó cũng có rất nhiều tác động tiêu cực là các tệ nạn xã hội, nó làm con người trở nên sống xa rời thực tế, phụ thuộc vào internet một cách hoàn toàn, tìm thú vui qua các mạng xã hội ảo. Lợi dụng chính chức năng “hữu dụng” của mạng internet cũng như những điểm yếu, sơ hở đó của người dùng, các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau.
Qua các vụ việc thực tế trong cuộc sống, chúng tôi xin tổng hợp một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường hay sử dụng như sau:

1. Nhắn tin trúng thưởng: Thủ đoạn của loại tội phạm này là giả danh nhà mạng để nhắn tin trúng thưởng, yêu cầu người trúng thưởng nạp tiền để làm các thủ tục nhận thưởng. Các đối tượng thường giả danh nhà mạng để lừa đảo trúng thưởng xe máy Liberty, xe SH… Nhiều người khi đọc xong tin nhắn nghĩ rằng đó là thật, để làm thủ tục nhận thưởng đã nhanh chóng nạp tiền vào tài khoản của các đối tượng.

Tham khảo tại đây.

2. Giả người nước ngoài, làm quen tặng quà hoặc nhờ giữ giúp số tiền lớn: Thủ đoạn của loại tội phạm này là đối tượng sử dụng Facebook, thường tự xưng là quân nhân, doanh nhân Mỹ, tìm kiếm kết bạn, tán tỉnh yêu đương với nhiều phụ nữ Việt Nam. Khi nhận thấy các nạn nhân phát sinh tình cảm hoặc tin tưởng thì xin thông tin cá nhân, số điện thoại để tặng quà, tiền hoặc nhờ nhận giúp số tiền lớn gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Khi những người này chuẩn bị đi nhận quà, đối tượng gọi điện thoại giả làm nhân viên hải quan của sân bay, nhân viên giao hàng yêu cầu nạn nhân nạp tiền phí hoặc tiền thuế qua một tài khoản cho sẵn thì khách hàng mới được nhận món quà của bạn trai từ “nước ngoài” gửi về. Nhiều người nghĩ rằng đó là thật đã nạp tiền vào tài khoản của các đối tượng.

Tham khảo tại đây.

3. Hack tài khoản Facebook, mạo nhận người thân nhờ nạp tiền: Thủ đoạn loại tội phạm này là đối tượng truy cập, chiếm quyền đăng nhập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) của người khác, truy cập vào lịch sử cuộc trò chuyện của chủ tài khoản, học cách nói chuyện giống như chủ tài khoản rồi liên hệ với bạn bè, người thân của chủ tài khoản để vay tiền hoặc nhờ mua thẻ cào... Bị hại tưởng người thân của mình đang gặp khó khăn đã nạp tiền, đã bị các đối tượng chiếm đoạt.

4. Giả bán hàng online: Thủ đoạn của loại tội phạm này đó là đối tượng giả các trang bán hàng online ở trên mạng. Những người tham gia mua hàng trên mạng tưởng đó là Facebook quen thuộc mà mình đã đăng ký mua hàng nên không nghi ngờ, nạp tiền vào tài khoản các đối tượng đưa ra và bị đối tượng chiếm đoạt tiền, không chuyển trả hàng như đã cam kết.

5. Giả danh Điều tra viên, Kiểm sát viên: Thủ đoạn của loại tội phạm này là đó là đối tượng giả danh nhân viên các công ty viễn thông, gọi điện thoại cho nạn nhân, đưa ra lý do nạn nhân đang nợ số tiền cước viễn thông rất lớn, yêu cầu nạn nhân phải cung cấp thông tin về nhân thân, lai lịch, số CMND số tài khoản ngân hàng đang sử dụng để đối chiếu, kiểm tra. Sau khi có được thông tin về nạn nhân, các đối tượng tự xưng là điều tra viên, kiểm sát viên gọi điện, thông báo cho nạn nhân biết mình đang liên quan đến một vụ án lớn (buôn bán ma túy, rửa tiền…), đồng thời các đối tượng làm giả các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt, lệnh khám xét gửi qua zalo, facebook cho nạn nhân. Sau đó, các đối tượng này yêu cầu nạn nhân phải chuyển toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản của mình sang tài khoản của đối tượng để thẩm tra, xác minh. Nhiều trường hợp nạn nhân do tin tưởng đã chuyển tiền và bị chiếm đoạt.

6. Xin thông tin tài khoản để chuyển tiền đặt cọc mua hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản: Sau khi tìm hiểu, nắm bắt thông tin rao bán hàng hoá ở các trang thương mại điện tử, các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản Messenger, liên hệ với người bán, tự giới thiệu là công dân Việt Nam, đang sinh sống ở nước ngoài, có nhu cầu mua hàng hoá (thường là nhà, đất) ở Việt Nam. Sau khi thoả thuận thống nhất giá cả mua bán, các đối tượng này đề nghị người bị hại cung cấp thông tin về số tài khoản, số điện thoại cá nhân của người bán để chuyển tiền đặt cọc. Sau đó, các đối tượng này gửi đường link của trang Wed giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế Westernunion, yêu cầu người bán hàng nhập số tài khoản, mật khẩu tài khoản và mã OTP vào trang Wed giả mạo để nhận tiền đặt cọc. Sau khi người bán nhập mã OTP thì số tiền trong tài khoản của người bán được chuyển đến tài khoản của đối tượng lừa đảo.
Trên đây là một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet. Chúng tôi hi vọng rằng mọi người có thể vận dụng các kiến thức phía trên để sử dụng trong cuộc sống, nâng cao cảnh giác trong quá trình sử dụng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến hành vi trên thì nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để phối hợp ngăn chặn, bắt, xử lý đối tượng.

HÃY CHIA SẺ ĐỂ MỌI NGƯỜI CÙNG BIẾT VÀ CẢNH GIÁC!