Trong
lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Phật giáo - với tư cách vừa là một
học thuyết giải thoát về cách sống lương thiện tốt đẹp cho con người, vừa là một
học thuyết qua tinh thần Tứ Ân có ơn với Tổ quốc là trọng đại - đã có những đóng
góp quan trọng trong việc hình thành nền tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam.
Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nền tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam. |
Kể từ khi đất nước giành được độc lập
(1945) cho đến thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ
trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện để các tôn
giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hành đạo theo pháp luật, tích cực tham gia
phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa…;
góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử tín ngưỡng, tôn giáo, luôn là một vấn
đề nhạy cảm. Trong tình hình hiện nay, đây là lĩnh vực thường xuyên bị kẻ xấu
và các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa
bình” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa; chống phá, xuyên tạc đường lối chủ
trương của Đảng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc,
cổ súy những hoạt động núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật...
Để đấu tranh có hiệu quả với mọi hoạt động
núp bóng và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo trái với pháp luật, bên cạnh việc
nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền liên quan đến chính sách, pháp luật của
Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, rất cần
tiếp tục nghiên cứu làm rõ những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp cũng như vai
trò, đóng góp của các tôn giáo chính thống - nhân bản, trong đó có Phật giáo
vào quá trình phát triển của đất nước.
Với lịch sử hơn 2.000 năm, Phật giáo đã
hội nhập và đồng hành như một thành tố không thể chia cắt trong đời sống văn
hóa - xã hội của người dân Việt Nam. Thể hiện trên một số khía cạnh nổi bật
mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam như sau:
Một là, đề cao giá trị
con người, hướng thiện, xây dựng xã hội an bình.
Thực tế lịch sử Phật giáo Việt Nam đều
khẳng định vị trí tối cao của con người. Thiền sư Vạn Hạnh từng nói: “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy. Thịnh suy như
lộ thảo đầu phô” (Khéo léo vận dụng quy luật thịnh suy thì không còn sợ
hãi, thịnh suy mong manh như hạt sương trên đầu ngọn cỏ)(1). Trước khi nhập Niết
bàn, Phật đã từng khuyên học trò phải dựa vào bản thân mình, lấy mình làm ngọn
đèn, tự thắp đuốc lên mà đi. Nhìn lại, lịch sử Phật giáo Việt Nam, Trần Thái
Tông - nhà Phật học lỗi lạc đã khẳng định bản chất con người là thánh thiện, mỗi
người nếu biết dụng tâm tu tập đều có thể làm cho Phật tánh hiển lộ, tức là
thành Phật ngay giữa cuộc đời. Tuy đề cao trí tuệ thực nghiệm (sống, thực
hành), nhưng đạo Phật không xem nhẹ trí tuệ học hỏi và trí tuệ tư duy, mà sách
Phật thường gọi là văn tuệ (học hỏi mà biết) và tư tuệ (tư duy mà biết).
Việc Phật giáo luôn đề cao khả năng tư
duy độc lập của con người, chính là nhằm hướng mỗi người biết tự chọn cho mình
phương châm hành động đúng lẽ phải, phân biệt chính/tà, thiện/ác, biết cần phải
làm gì trong cuộc sống vốn đầy biến động, xây dựng một xã hội an bình.
Có thể nói, trí tuệ của Phật giáo là
khuyến khích chính sách, biết tự khai thác năng lực nội sinh của mình để nỗ lực
vươn lên, xây dựng hướng đi cho bản thân trong hoạt động thực tiễn. Bởi, nếu
không có lý trí, không có khả năng tư duy “tùy biến”, con người sẽ bất lực và dễ
dàng gục ngã trước những tác động phức tạp, biến động của cuộc sống, nhất là
trong thời kỳ hội nhập. Phật giáo biện tâm và hướng nội giúp con người có được
nội tâm yên bình, trong sáng để duy trì cuộc sống bình ổn, hòa đồng và có trách
nhiệm trong xã hội hiện đại. Hướng nội là để cân bằng với hướng ngoại. Vì vậy,
tâm lý học Phật giáo góp phần điều chỉnh tình trạng mất cân bằng của con người
hiện đại. Những xu thế hướng nội của Phật giáo Việt Nam còn có một cội rễ sâu
xa: đúng/sai và chân lý không phải do khách quan đưa lại, mà là xuất phát từ
bên trong mỗi người.
Hai là, duy trì, phát
huy truyền thống đoàn kết dân tộc, hòa đồng với cộng đồng.
Là một trong những hệ tư tưởng điển hình
trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tinh thần Phật giáo in đậm, tạo nên một sắc
thái riêng trong các lĩnh vực văn hóa dân gian, văn học nghệ thuật, văn hóa ứng
xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực, văn hóa kinh doanh... Hầu hết các hoạt
động phật sự đều xuất phát từ lợi ích dân tộc, Tổ quốc và cuộc sống nhân sinh.
Lịch sử đã chứng minh, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần
vào chấn hưng đất nước, an sinh, đấu tranh vì hòa bình thịnh vượng...
Thông qua những hoạt động mang tính xã hội,
cùng với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sâu sắc tinh thần
nhân văn, hướng thiện, tăng cường kết nối tình đoàn kết giữa Đạo với Đời, giữa
các tầng lớp nhân dân, góp phần giáo dục, phát huy tinh thần cộng đồng, phát
huy sức mạnh tập thể theo truyền thống của người Việt.
Trong xã hội hiện đại, khi những xung đột
sắc tộc, tôn giáo diễn ra ở nhiều nơi trên trên thế giới thì triết lý và thực
hành mô hình cộng đồng sống hòa hợp, đoàn kết của Phật giáo Việt Nam được coi
là điển hình, vì điều đó mong muốn và hướng con người tới cuộc sống tốt đẹp,
yêu thương, gắn bó, chung sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Lấy đạo đức, trí tuệ làm cốt lõi cho sự
tồn tại và phát triển nên Phật giáo là đạo của sự giác ngộ, giác ngộ để giải
thoát khỏi tham lam, thù hận. Suy ra, nếu mỗi con người nhận thức đúng đắn (tức
là giác ngộ) về tự nhiên và xã hội, hiểu rõ quan hệ của cá nhân trong cộng đồng
và ảnh hưởng của xã hội tới cá nhân, thì sẽ có hành động và ứng xử đúng mực,
hài hòa (giữa con người và tự nhiên, cá nhân và cộng đồng), biết sống hòa đồng
và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau...
Ba là, giáo dục, phát
huy truyền thống yêu nước.
Lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho
thấy, khi đất nước hưng thịnh thì Phật giáo phát triển; cùng với nền độc lập, tự
do của dân tộc, trong nhiều năm qua, Phật giáo đã tích cực góp phần cùng toàn
dân tham gia xây dựng cuộc sống thông qua giáo dục tín đồ, phật tử phát huy
truyền thống yêu nước, trau dồi đạo đức, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đã chứng
minh những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ
quốc của Phật giáo. Qua nhiều triều đại phong kiến, nhiều vua/quan là Phật tử
đã vận dụng những tinh hoa trong tư tưởng, triết lý của đạo Phật phục vụ cho
công cuộc chấn hưng đất nước. Cùng với tinh thần tự chủ, độc lập, anh dũng của
dân tộc, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã khẳng định tinh thần gắn liền đạo
pháp với dân tộc của Phật giáo. Tại lễ Phật Đản Vesak 2008 tại Hà Nội, Chủ tịch
nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu nhấn mạnh: “...Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được
nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế,
gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong
các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại
trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi ghi nhớ
công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ
Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý,
tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm -
một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay”. (2)
Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại
xâm ở thế kỷ XX của dân tộc, nhiều phật tử đã tích cực tham gia vào cuộc đấu
tranh vì lẽ phải, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Phật giáo đã góp phần đồng hành
cùng dân tộc trong các cuộc trường chinh cứu nước, giữ nước; góp phần giáo dục
và phát huy truyền thống yêu nước trong mỗi tín đồ phật tử cũng như các thế hệ
con dân nước Việt.
Bốn là, chung tay xây dựng,
phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Trên nhiều góc độ, bình diện, trí tuệ Phật
giáo đã thể hiện rất rõ tác dụng, trong việc góp phần cùng với các tổ chức xã hội
và nhân dân thực hiện ngày càng tốt hơn những chủ trương, quyết sách của Đảng,
Nhà nước, đặc biệt là công tác nhân đạo, từ thiện, hạn chế những tiêu cực, mặt
trái trong xã hội hiện đại... Thể hiện qua hoạt động truyền bá và tôn vinh những
giá trị tốt đẹp của nền văn hóa truyền thống dân tộc với nhiều hình thức giáo dục
đa dạng; khơi lên những giá trị tích cực trong văn hóa tâm linh; giác ngộ lòng
từ bi, hướng thiện trong tâm hồn con người...
Mặc dù cũng còn những hạn chế nhất định
trong phương châm hành động và triết lý duy tâm, nhưng Phật giáo đã và đang có
những đóng góp quan trọng cùng với những tôn giáo khác vào quá trình phát triển
của xã hội và đất nước. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta đang có những
bước tiến mạnh mẽ vào quá trình hội nhập và phát triển và cuộc cách mạng công
nghiệp 4.0; bên cạnh những kết quả tích cực, nền kinh tế thị trường với những mặt
trái của nó đã và đang đưa đến nhiều hệ lụy, trong đó có những hệ lụy về mặt
tinh thần.
Để thúc đẩy sự phát triển của công cuộc
đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác,
phát huy, xây dựng các nguồn lực phục vụ cho quá trình phát triển đất nước.
Trong đó, có những chính sách đúng đắn về tôn giáo nói chung, Phật giáo nói
riêng, coi đây là một trong những nhân tố quan trọng để việc giải quyết các vấn
đề xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước hiện nay.
Giáo lý của Đức Phật nhằm tạo ra sự ổn định
trong mỗi gia đình và từ đó đưa đến sự ổn định và phát triển trong mỗi quốc
gia. Mỗi quốc gia ổn định, hạnh phúc sẽ tạo nên một thế giới hòa đồng, nhân ái,
hòa bình, ổn định - là điều mà mọi người trong mọi xã hội, mọi thời đại đều
mong muốn được thực hiện, được thụ hưởng. Trong đời sống văn hóa Việt Nam, Phật
giáo đã hòa nhập trong cộng đồng xã hội,
thành một bộ phận văn hóa tinh thần, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc
phong phú. Các thiền sư Không Lộ, Tuệ Tĩnh, Vạn Hạnh hết lòng phò vua giúp nước,
xây dựng xã tắc vững bền vì bách tính. Phật hoàng Trần Nhân Tông hai lần khoác
chiến bào cùng toàn dân kháng chiến chống quân Nguyên, khi đất nước yên bình,
Ngài nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tu thiền trở thành Sư tổ Thiền Phái
Trúc Lâm Việt Nam.
(1), (2): Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Kỷ
yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Tôn giáo, H, 2014,
tr.50.
Đỗ
Nguyên Tuấn Anh