Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Thượng lưu sông Ba: nơi lưu giữ dấu tích tổ tiên loài người


Những phát hiện kỹ nghệ thời đồ đá cũ ở thị xã An Khê (Gia Lai) đã làm thay đổi nhận thức về lịch sử vùng đất và đời sống của tổ tiên chúng ta, gây chấn động về nguồn gốc lịch sử loài người.
  
Thượng lưu sông Ba: nơi lưu giữ dấu tích tổ tiên loài người
Công cụ ghè một mặt
Ngày 30/3, tại thị xã An Khê diễn ra hội thảo khoa học quốc tế về “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở Châu Á” do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối - Quyền Viện trưởng Viện khảo cổ học khái quát: Vào tháng 6/2014, khi Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai, cán bộ Viện đã phát hiện 5 di tích thời đại đá cũ ở thị xã An Khê.
Cuối năm 2014, các di tích được thẩm định, đưa vào chương trình hợp tác Quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa giữa Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga (2015 - 2019).
Các phát hiện điển hình như di tích Gò Đá ở phường An Bình (thị xã An Khê) nằm ở bờ phải sông Ba. Năm 2015, di tích được khai quật 20m2, năm 2016 khai quật 4 hố với diện tích 74m2. Các hố khai quật có cấu trúc địa tầng giống nhau.
Lớp chứa vết tích hoạt động của người tiền sử nằm dưới lớp đất canh tác và trên lớp sinh thổ, dày trung bình 10cm-25cm. Đất tầng văn hóa thuộc loại sét vốn phong hóa tại chỗ từ đá granite lẫn nhiều sạn sỏi, đá quartz đã bị laterit và đôi nơi có hiện tượng bị rửa trôi. Nhìn chung tầng văn hóa ở đây được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Trong các hố khai quật. các nhà khảo cổ đã tìm thấy 58 hiện vật đá (9 công cụ mũi nhọn, 5 công cụ chặt kiểu chopper, 9 mảnh nạo, 2 hòn ghè, 6 công cụ mảnh tước, 3 công cụ hạch không định hình, 12 mảnh tước và 12 hạch đá). Hầu hết công cụ ở đây được làm từ đá quartz. Trong các hố khai quật còn tìm thấy 21 mảnh đá tectit, phân bố trong lớp văn hóa chứa công cụ đá. Điều đó có nghĩa là đá tectit rơi từ vũ trụ xuống khi tầng văn hóa đã và đang hình thành.
Về việc phá hiện cụm di tích Rộc Tưng ở xã Xuân An (thị xã An Khê): Năm 2016, 2018 các nhà khoa học tiến hành khai quật 2 điểm nằm ở bờ trái sông Ba. Các di tích Rộc Tưng phân bố trên nhiều đồi gò lượn sóng, xung quanh là các bồn địa khe suối ven bờ sông Ba. Trong khu vực này đã phát hiện được 14 địa điểm có di tồn văn hóa của người nguyên thủy, được đặt tên theo trật tự phát hiện từ Rộc Tưng 1 đến Rộc Tưng 14.

Nơi cổ xưa nhất

An Khê là vùng trũng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, có địa hình núi cao xen lẫn các bồn địa, thung lũng, đồi gò thấp cùng hệ thống sông khu vực sông Ba. Đây là vùng thuận lợi để người cư trú cả thời tiền sử và hiện nay.
Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, những phát hiện kỹ nghệ đá cũ An Khê đã làm thay đổi nhận thức về lịch sử vùng đất và đời sống của tổ tiên chúng ta. Con người xuất hiện lúc nào thì lịch sử bắt đầu từ đó. Lâu nay, chúng ta thường lấy điểm xuất hiện Người đứng thẳng (Homo erectus) ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn) cách đây 0,5 triệu năm làm mốc mở đầu cho lịch sử Việt Nam. Với phát hiện di tích đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về quá khứ.
Trên thế giới, chủ nhân các nền văn hóa trong khung niên đại từ 1,8 đến 0,2 triệu năm là những người đứng thẳng, tổ tiên của Người hiện đại (Homo sapiens). Như vậy, vùng thượng lưu sông Ba được ghi dấu vào bản đồ thế giới, là một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hoá của tổ tiên loài người - Người đứng thẳng, chủ nhân của kỹ nghệ Đá cũ An Khê.
Ngoài ra, có 2 mẫu niên đại ở 2 điểm Đá cũ vùng An Khê đã được phòng thí nghiệm đồng vị hoá và niên đại địa chất Igem Ran, Viện Địa chất trầm tích quặng, thạch học, khoáng vật và địa hoá thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga phân tích cuối năm 2017, bằng phương pháp K/Ar cho niên đại ở di tích Gò Đá là khoảng 806.000 năm và Rộc Tưng I là khoảng 782.000 năm cách ngày nay.
Khi phân tích so sánh về mặt hình thái và kỹ thuật sưu tập công cụ đá ở An Khê với một số di tích sơ kỳ ở Hà Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các chế phẩm tìm thấy ở An Khê còn có một số nét cổ xưa hơn.
Trao đổi với PGS. TS Nguyễn Khắc Sử - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đánh giá: Hội thảo này có tầm quan trọng vô cùng lớn vì tổng kết kết quả khai quật trong 5 năm. Trên cơ sở kết quả này sẽ đánh giá lại, thêm và sâu sắc hơn cái đã làm. Đồng thời đưa ra dự án mới cho công việc tiếp tục trong tương lai.
Tất cả để tập trung làm rõ hơn nữa giai đoạn về lịch sử tối cổ ở Việt Nam, giai đoạn xuất hiện của Người đứng thẳng - tổ tiên trực tiếp của người Homo erectus (người hiện đại). Đồng thời đóng góp một vị trí quan trọng trong bản đồ khảo cổ học thế giới, góp phần nghiên cứu sự tiến triển của lịch sử nhân loại.
“An Khê ngày hôm nay không chỉ là di tích của An Khê mà đã mang tầm của thế giới. Sắp tới sẽ rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam nghiên cứu nhằm làm rõ tính chất niên đại, đặc điểm của văn hoá cổ xưa” - PGS. TS Nguyễn Khắc Sử nhấn mạnh và cho biết:  ba yếu tố (văn hoá, tự nhiên, lịch sử) được kết hợp với nhau sẽ tạo cho An Khê tầm vóc mới. Làm sao vừa bảo tồn tốt được di sản văn hoá tổ tiên, đồng thời làm điểm tựa cho sự phát triển của vùng đất năng động này. Bí thư Thị uỷ An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng cho biết đang triển khai xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu An Khê - Kbang trong những năm tới.

Theo Tiền phong.