Thời gian gần đây, hoạt động “tín dụng đen” đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Khi nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao, các đối tượng đã lợi dụng vấn đề cho vay “tín dụng đen” để trục lợi, gây phức tạp đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Đã có nhiều người, nhiều gia đình bị sập bẫy nợ của chúng và ngày càng lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”, khó khăn, nợ nần chồng chất.
Những thủ đoạn của “tín dụng đen”:
Hiện chưa có định nghĩa chính thống về “tín dụng đen”. Tên gọi “tín dụng đen” xuất phát từ những hoạt động tín dụng không tốt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dùng nên người ta thêm từ “đen” vào từ “tín dụng” để thể hiện bản chất của nó. Có thể hiểu “tín dụng đen” là hoạt động cho vay bất hợp pháp với lãi suất rất cao, vượt mức trần lãi suất theo quy định của nhà nước nhiều lần, không thông qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh cũng như được cấp phép và không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào.
Đối tượng của “tín dụng đen” rất đa dạng, chúng thường núp bóng các cơ sở cầm đồ, các công ty dịch vụ tài chính, các cá nhân có tiền làm tín dụng bất hợp pháp… câu kết với các nhóm đòi nợ thuê hoạt động ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cụ thể, trước đây việc hoạt động của các công ty dịch vụ tài chính không được nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, từ khi Thông tư số 39/2014/NĐ-CP ngày 07/5/2014 của Chính phủ được ban hành thì hoạt động của các công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép hoạt động và đang phát triển mạnh, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Giám đốc công ty là người có đủ điều kiện theo quy định, tuy nhiên đa phần là do một số đối tượng hình sự đứng sau điều hành, tổ chức hoạt động. Các công ty này thường cho vay tiền bằng cách không thế chấp, lập hồ sơ mua bán tài sản, sau đó làm hợp đồng cho thuê lại tài sản, viết giấy nhận tiền xin việc… nhưng thực chất là hoạt động “tín dụng đen” với lãi suất cao; các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ thường biến tướng cho vay với lãi suất rất cao dưới hình thức mua bán, cầm cố tài sản; các cá nhân có tiền hoạt động tín dụng bất hợp pháp, cho vay với lãi suất cao; các đối tượng hình sự làm tín dụng, cho vay trong các sới bạc dưới các hợp đồng viết tay, hợp đồng bán nhà, đất, xe ô tô và tài sản có giá trị khác…
Các đối tượng cho vay nặng lãi nêu trên đã đánh trúng tâm lý của người vay: nhanh, gọn, thủ tục đơn giản, thậm chí không cần biết mục đích vay là gì.
Quan hệ dân sự giữa hai bên (bên cho vay và bên vay) diễn ra âm thầm cho đến khi con nợ không trả được mới tổ chức đòi nợ, dẫn đến trường hợp giết người, gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn như khủng bố, đe dọa… khiến người dân khiếp sợ, không dám tố cáo hoặc không hợp tác với các cơ quan chức năng, nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh, xử lý.
Ở một số địa phương, thời gian qua các đối tượng cho vay với hình thức dán tờ rơi quảng cáo ở khu dân cư, trường học, cột điện,… kèm theo số điện thoại để liên hệ. Hình thức vay như bằng tiền mặt, mua nợ vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu…), mua hàng phục vụ sinh hoạt (xe máy, gạo, hàng tiêu dùng…). Thủ tục vay rất đơn giản, nhanh chóng, không cần cầm cố tài sản, chủ yếu tín chấp, dựa trên sự quen biết hoặc thông qua trung gian giới thiệu. Giấy cho vay không có người làm chứng, công chứng, lãi suất chủ yếu thỏa thuận bằng miệng giữa người vay và người cho vay, không thể hiện lãi suất trên tờ rơi quảng cáo, hợp đồng, giấy vay, hoặc ghi lãi suất rất thấp nhưng thực tế thỏa thuận bằng miệng cao gấp nhiều lần…
Điển hình mới đây ở Gia Lai đã xóa sổ tụ điểm cho vay nặng lãi núp bóng Công ty TNHH Nhất Tín Phát Gia Lai (có trụ sở tại 95 Lê Duẩn, Tp.Pleiku; 368, 368A Phạm Văn Đồng, Tp.Pleiku và 863A Hùng Vương, Thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Ngoài ra, công ty này còn có những địa điểm kinh doanh tại các địa phương khác như Bình Định, Đăk Lăk, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam… hoạt động của chúng núp bóng mua bán, cho thuê xe ô tô, xe máy nhưng thực chất là cho vay nặng lãi với lãi suất 144%/năm.
Để tránh sập bẫy “tín dụng đen”, người dân cần phải:
Một là, nâng cao ý thức bản thân về “tín dụng đen” và nhận thức về pháp luật để tự mình phòng tránh qua việc nhận biết về hình thức này như: tránh xa những quảng cáo kêu gọi vay vốn ưu đãi hay đăng ký thẻ tín dụng không chứng minh thu nhập hoặc thu nhập thấp… tại các bảng thông báo, tờ rơi ở ngã tư, cột điện, khu dân cư. Nên tìm hiểu thông tin vay vốn từ các ngân hàng hoặc các website tài chính uy tín có sự đảm bảo của các cơ quan chức năng nhà nước; cần kiểm tra lại các thông tin với bạn bè, đồng nghiệp, người thân… trước khi có vay vốn tại cá nhân hay tổ chức nào đó. Nếu nhu cầu chưa thật sự cần thiết hãy cân nhắc việc vay vốn.
Hai là, khi thấy các tờ rơi quảng cáo cho vay dán ở khu vực công cộng, xung quanh các hộ dân sinh sống, dán trên cột điện, góc tường … chúng ta nên xé bỏ hoặc bôi xóa số điện thoại nhằm phòng ngừa không để người khác sập bẫy của bọn chúng.
Ba là, khi phát hiện có dấu hiệu của tổ chức “tín dụng đen” hoặc những nhóm thanh niên thuê nhà tạm trú trên địa bàn nghi là tay chân của những tổ chức tín dụng này, cần kịp thời báo với các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn xử lý.
Thảo Nhiên