Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

ĐẾN SƠN MỸ KHÔNG QUÊN TỘI ÁC CHIẾN TRANH


Có dịp đến Quảng Ngãi, tôi đã nằng nặc bảo đứa bạn học của tôi dẫn đến thăm Khu di tích Sơn Mỹ (tại thôn Mỹ Lai, xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tôi rất mừng vì xã nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh năm xưa giờ đã rất phát triển, đổi mới. Vào thăm khu di tích, những kỷ vật, hình ảnh về tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ đối với nhân dân thôn Mỹ Lai, xã Sơn Mỹ vẫn còn lưu giữ, nhắc nhở tôi và mọi người, các thế hệ sau cái khốc liệt, dã man tàn bạo của chiến tranh; và càng yêu quý, có trách nhiệm gìn giữ hòa bình đến nhường nào.

ĐẾN SƠN MỸ KHÔNG QUÊN TỘI ÁC CHIẾN TRANH
Tháng 10/2011, ông Ronald Haeberle - tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai - gặp lại ông Đỗ Ba, nạn nhân sống sót vụ thảm sát.
Đúng 51 năm trước (vào ngày 16/3/1968) tại thôn Sơn Mỹ, các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát 504 dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập, hoặc bị cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam và trên thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến tại chính đất nước Hoa Kỳ.
Cuối ngày hôm đó, trên các bản tin của Quân đội Mỹ, “128 tên Việt Cộng đã bị tiêu diệt sau một ngày chiến đấu khốc liệt”. Tướng Wiliam Westmoreland, tư lệnh của lực lượng Mỹ tại miền Nam Việt Nam, có lời khen đơn vị của ông đã “làm việc kiệt xuất”. Vụ thảm sát nêu trên đã bị che dấu ngay sau đó. Trong báo cáo của quân đội Mỹ ghi rằng họ đã “tiêu diệt 128 binh lính kẻ thù mà không chịu bất cứ thương vong nào. Đến cuối năm 1969, vụ việc trên mới bị phát hiện. Tuy nhiên, tòa án Mỹ đã không kết tội bất cứ sỹ quan hay binh lính Hoa Kỳ nào sau vụ thảm sát này, ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội là Wiliam Calley bị tuyên án chung thân, nhưng chỉ một ngày sau, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh ân xá và Calley chỉ phải chịu quản thúc tại gia 3,5 năm.
Có thể nói, tội ác của đế quốc Mỹ trong vụ thảm sát tại Sơn Mỹ là “trời không dung, đất không tha” của quân đội Mỹ. Chiến tranh là tàn ác, nhưng thảm sát dân thường mà chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già là sự tàn ác đến đỉnh điểm. Lịch sử không thể nào quên tội ác chiến tranh này của đế quốc Mỹ.
Xin được thắp nén tâm nhang và cúi đầu để tưởng nhớ những người đã khuất. Lịch sử bị xâm lược của dân tộc ta như nhắc nhở chúng ta rằng phải luôn đoàn kết, xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh và yêu chuộng hòa bình; xây dựng và củng cố thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận An ninh Nhân dân để bảo vệ Tổ quốc ngày càng vững mạnh./.
Thảo Nhiên