Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HAY CÁI LOA PHÁT THANH?

     Đại biểu Quốc hội là người được nhân dân tín nhiệm, lựa chọn làm đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri để truyền đạt tới Quốc hội; Đại biểu cũng là người tham gia vào công việc quản lý và điều hành đất nước. Đại biểu Quốc hội lắng nghe tiếng nói của nhân dân không có nghĩa là bất cứ ý kiến nào cũng mang lên phát biểu trên nghị trường bởi trăm người trăm ý, không thể thấy ai nói gì Đại biểu cũng mang lên Quốc hội nói lại. Bản thân Đại biểu cũng phải là người có trình độ, có nhận thức, nhân dân cần một người đại diện chứ không cần một người truyền tin. Giữa hàng trăm, hàng nghìn ý kiến khác nhau, Đại biểu phải là người biết nhận thức để từ đó chọn lọc ra những ý kiến quan trọng, những vấn đề thực sự cần thiết rồi mới truyền đạt đến Quốc hội. Đồng thời Đại biểu cũng cần phải có trách nhiệm với những phát ngôn của mình, mà việc quan trọng nhất chính là nói đúng, nói đủ, nói có sách, mách có chứng. Luật pháp dựa trên chứng cứ, không dựa trên suy đoán cá nhân hay phán đoán chủ quan của bất kỳ ai. Nhưng thật đáng tiếc khi không phải Đại biểu Quốc hội nào cũng đủ năng lực làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HAY CÁI LOA PHÁT THANH?

     Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre - Lưu Bình Nhưỡng - người nổi tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi. Khi dư âm của vụ việc sử dụng sai số liệu để dẫn chứng về sai phạm của ngành Công an hồi cuối năm 2018 còn chưa tan hết, vị Đại biểu này lại tiếp tục làm nóng dư luận bằng việc thay cơ quan điều tra kết luận về vụ án buôn lậu của công ty Nhật Cường. Hay gần đây nhất là việc phát biểu về lối sống của cán bộ cao cấp bằng một nhận xét chung chung rằng “sống xa hoa, đi nước ngoài ăn chơi bằng tiền ngân sách”... Nhiều phát biểu gây hiểu lầm được vị Đại biểu này đưa ra dưới dạng “dư luận có ý kiến cho rằng…”, khiến nhiều cử tri đặt câu hỏi “Ông Lưu Bình Nhưỡng là Đại biểu Quốc hội hay là người đưa tin mà ý kiến đúng sai gì ông cũng tiếp nhận và truyền đạt hết với Quốc hội và truyền thông báo chí? ”
     Biến 0,06% thành 94% để nhận xét rằng sai phạm của ngành Công an là “đặc biệt nghiêm trọng”, thay lực lượng chức năng đưa ra kết luận vụ án đang trong quá trình điều tra… Rất nhiều lần vấp phải phản ứng của dư luận bởi những phát ngôn gây tranh cãi của mình, nhưng dường như Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chưa bao giờ để tâm đến dư luận. Vậy nên dù dư luận có phản đối hay ủng hộ, dù là ý kiến của cử tri hay chỉ suy đoán chủ quan của bản thân thì ông Nhưỡng vẫn tiếp tục trả lời báo chí dưới danh nghĩa Đại biểu Quốc hội.
     Trên nghị trường, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng yêu cầu Quốc hội phải ngăn chặn người thiếu năng lực, phẩm chất vào bộ máy để làm khổ Nhà nước, làm khổ nhân dân. Những cán bộ công chức sai phạm, không được nhân dân tín nhiệm, dư luận lên án thì nên “tự xử” bằng cách từ chức để “gỡ” lại một chút danh dự, không nên tham quyền cố vị khi người dân không tôn trọng nữa. Đúng như ông Nhưỡng nói, chỉ có điều không chỉ có “cán bộ công chức sai phạm không được nhân dân tín nhiệm, dư luận lên án thì nên tự xử” mà những Đại biểu Quốc hội không làm tròn chức trách nhiệm vụ, thường xuyên có những phát ngôn thiếu chuẩn mực gây hiểu lầm, chia rẽ cũng nên “tự xử” để “gỡ lại một chút danh dự, không nên tham quyền cố vị khi người dân không tôn trọng nữa”.
     Quay trở lại với những phát ngôn gây xôn xao dư luận, tại sao Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng không sử dụng quyền chất vấn Quốc hội khi cảm thấy những số liệu trong báo cáo của Bộ Công an có vấn đề, vụ án Nhật Cường có khuất tất hay lối sống của cán bộ nào đó quá mức xa hoa… mà lại trực tiếp phát biểu những kết luận mang đầy cảm tính cá nhân, sử dụng dẫn chứng sai nhưng vẫn luôn khẳng định mình đúng, viết tâm thư đăng trên mạng xã hội kêu gọi chia sẻ? Từ những hành động và phát ngôn thiếu chuẩn mực của mình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thấy mình đã làm đúng và đủ chức trách của mình chưa?
HL