Các đại biểu Quốc hội không đồng ý quy định đã uống rượu bia không lái
xe chắc có lý do của họ, nhưng đã khiến nhiều người - trong số ấy không ít đã rủ
nhau làm thành phong trào “Đã uống rượu
bia thì không lái xe” - ngạc nhiên và bàn cãi khá nhiều.
Kết quả lấy ý kiến với phương án: Cấm điều khiển giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn (nghĩa là đã uống rượu, bia là không được điều khiển phương tiện giao thông) không đạt quá bán. |
Như số đông đàn ông nước Việt
khác, tôi cũng... biết uống rượu. Uống không nhiều nhưng cũng lai rai được. Tôi
vẫn hay nói trong các cuộc nhậu là, người Bắc uống rượu rất khôn. Uống lúc đói
rất ngon. Cái ly rượu buổi sáng ấy, nó khiến mình là đà cả ngày, nhìn cái gì
cũng đẹp, thấy ai cũng xinh. Dân nhậu miền Trung thì vừa ăn vừa uống và người
Nam thì, đa phần thế, ăn rồi mới uống.
Và đương nhiên là, ăn uống xong
thì di chuyển. Người Việt ta coi cái sự nhậu rồi lái xe là bình thường, nhất là
xe máy. Ngày xưa, đi xe đò, tôi vẫn chứng kiến mỗi khi dừng ăn cơm, bác tài thể
nào cũng có tiêu chuẩn một chai bia. Và tôi luôn nghĩ, uống một chai bia, lái
xe sẽ... sung hơn, xử lý nhạy hơn.
Còn cánh công chức một thời, hết
giờ làm việc buổi chiều, trừ anh nào... nể vợ quá, còn đa phần đều tụ bạ, nhẹ
thì vài chai bia, nặng thì người nửa chai rượu. Lý do thì đủ, lên lương, rửa chức,
rửa xe, rửa quần áo mới vân vân. Còn khai với vợ thì lần lượt ông bà cha mẹ bạn
được đưa lên... bàn thờ với lý do... giỗ. Tất nhiên thời ấy đa phần xe máy.
Cũng chả thấy ai nói gì, hình
như thời ấy người ta chưa thống kê nguyên nhân tai nạn giao thông.
Đến giờ thì, mấy vụ tai nạn
giao thông do rượu bia gây ra kinh hoàng quá. Xe xịn, tốc độ cao, mã lực mạnh,
nghiến phát chân phanh thành chân ga thì có trời đỡ.
Cũng như người Việt ta từng có
thói quen ngồi xe rất ít cài dây an toàn. Chả cứ người ngồi bên, mà người lái
cũng hầu như không thắt. Vả, cái thời ấy, xe Uoat, xe Zeep, xe Toyota... toàn
loại cũ, không có dây an toàn nên không thắt nó thành thói quen. Giờ xe xịn,
tôi thấy đa phần lái xe đã ôm vô lăng là đều thắt dây an toàn.
Thực ra thì dăm năm lại đây,
trước khi Công an kiểm tra gắt gao việc thắt dây an toàn thì người lái xe đã có
ý thức tự giác rồi. Họ thấy rõ ràng có lợi cho họ. Và luật đã quy định thế. Luật
đã quy định thì phải chấp hành, dù dân ta sợ người giám sát luật, là Công an,
hơn là sợ luật, nhưng cái ý thức cũng cứ ngấm dần nên tôi thấy giờ chưa được một
trăm phần trăm thì cũng phải chín lăm phần trăm thắt dây an toàn khi lái xe.
Nhưng còn uống rượu bia rồi điều
khiển xe thì có bớt đi nhưng vẫn rất nhiều, nhất là chạy loanh quanh trong phố.
Ngay tôi cũng từng có niềm tin
là có tí chất cay vào lái xe rất chuẩn, và quả là cũng... chưa bao giờ để xảy
ra chuyện gì, tất nhiên là chỉ uống một vài chai bia hoặc ly rượu rồi lái xe về,
chứ chưa bao giờ lái đường dài mà dám uống, bởi đơn giản, nó gây buồn ngủ, hết
sức nguy hiểm.
Nhưng giờ thì tiệt. Ngay chiều
qua, ông bạn rủ đi ăn cuống tim và gàu bò nướng ở một cái quán rất tươi, tôi
cũng chủ động kêu taxi đi. Tốn tí nhưng nó an tâm. Là chỉ nghĩ thế này thôi,
chưa cần cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn, mà chỉ lỡ ai đấy cọ quẹt vào
xe mình, là không nói mình quẹt họ, mà mình đi đúng rồi họ quẹt vào mình, khi
xuống xử lý mà có mùi bia rượu là anh đã thất thế rồi, là mang tiếng uống rượu
bia điều khiển xe rồi.
Và vậy nên, bên cạnh sự tự giác
của từng người vẫn cần phải có những quy định để từng người soi vào mà hạn chế
những điều không được làm, tạo thành một ý thức đương nhiên. Đương nhiên không
hút thuốc nơi công cộng, đương nhiên không uống rượu bia khi lái xe, vân vân...
Và chiều qua, bên bàn nhậu,
vâng, bên bàn nhậu, mọi người bàn cãi khá nhiều về việc các đại biểu quốc hội
biểu quyết về vấn đề bia rượu, cụ thể là “Dự
án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia” và đã không quá bán một số quy định
để có thể được đưa vào luật thực thi nay mai.
Các đại biểu không bỏ phiếu tán thành chắc họ
có lý do của họ. Bởi họ không chỉ đưa ý chí cá nhân vào, mà họ được tham mưu của
các nhà chuyên môn, họ lĩnh hội ý kiến của cử tri mà họ đại diện. Nhưng với tư
cách một người uống được, biết lái xe và có xe ôtô, đã ôm vô lăng 5 vạn cây,
tôi vẫn cho rằng, bên cạnh ý thức tự giác, vẫn cần những chế tài để, không chỉ
xử phạt, mà nó như một cái dây, neo con người ở bên phía của ý thức, của trách nhiệm,
của những điều đã và sẽ đến nếu anh cứ liều mạng. Có thể liều một hai ba bốn lần,
nhưng xảy ra một cái, thì thảm họa khôn lường, mà mấy vụ say xỉn, có cả phụ nữ,
lái xe gây tai nạn mới đây là những cảnh báo hết sức thiết thực với những người
cầm lái, cả xe máy và ô tô...
Nó lại có thực tế này, ấy là luật
đã quy định và ai đi học lái xe đều biết, với ô tô thì anh không được phép có một
giọt cồn nào trong máu, nếu vi phạm là bất kể lý do, móc túi đóng phạt ngay, rất
cao, đâu như 18 triệu và thu bằng lái mấy tháng. Xe máy thì có thể có 1-2 ly
chi đó tôi không nhớ cụ thể. Thế giờ các bác Quốc hội không thông qua thì cái
luật cũ nó như thế nào, chưa kể, chính các bác tài và dân vừa rồi làm được một
việc rất hay, ấy là rủ nhau thành phong trào “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Ơ người dân đã tự giác thế rồi,
các bác chần chừ gì nữa mà không bấm nút nhỉ?
Và có một thực tế nữa, rằng là,
dân mạng đồn ầm lên là có lợi ích nhóm khi không thông qua việc này, rằng các
thế lực ngầm bia rượu đã thò tay vào. Tôi thì không tin lắm, bởi Phó Chủ tịch
Quốc hội hôm nay cũng nói, cuộc bỏ phiếu hết sức dân chủ, không có lợi ích nhóm
nào can thiệp. Ơ, khó thế mà dân cũng nghĩ ra được. Chắc các bác không bấm nút
thông qua ấy muốn... chứng kiến thêm nhiều vụ khủng khiếp và đau lòng nữa cho
chắc chắn.
Tôi trích một đoạn ý kiến của
nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một trong hàng
ngàn facebooker “ngạc nhiên với quyết định của Quốc hội”: “Càng ngày, chúng ta càng chứng kiến những vụ tai nạn giao thông kinh
hoàng mà nhiều lúc tôi chỉ đọc cái tít của một bài báo rồi không dám đọc tiếp.
Quá nhiều cái chết vô lý và thương tâm. Một trong những nguyên nhân gây nên những
tai nạn thảm khốc ấy là bia rượu. Cách đây dăm năm, theo thông tin tôi biết là
mỗi năm có khoảng một vạn người chết vì tai nạn giao thông. Thi thoảng mới đọc
một vụ tai nạn giao thông gây chết người chúng ta đã vô cùng kinh hãi. Thế mà bây
giờ, chúng ta thử xếp xác một vạn người chết vì tai nạn giao thông dọc một con
đường vào một ngày cuối năm (tổng kết cái chết) thì chúng ta sẽ kinh hãi đến
nhường nào.
Nghĩ vậy, tưởng sẽ 100% đại biểu Quốc hội sẽ quyết liệt bỏ phiếu đồng ý
cấm người uống bia rượu điều khiển phương tiện giao thông. Nhưng than ôi, cả
hai phương án đưa ra không một phương án nào quá 50%. Chính xác là chưa tới 50%
theo báo chí đưa tin.
Chuyện gì đang xảy ra vậy thưa các bạn?
Có phải tôi chưa hiểu hết việc này hay đầu óc tôi u tối?
Phải chăng hơn 200 (50%) đại diện của nhân dân minh mẫn hơn tôi?
Hay phải chăng cái lý nó phức tạp đến mức mà mình chưa hiểu ra?
Tôi thực sự thành tâm muốn được ai đó dạy bảo cho, nếu là một đại biểu
quốc hội giải thích cho tôi thì tôi cám ơn ngàn lần?”.
Ông Thiều cũng có ô tô và là một
tay lái cừ khôi.
Văn Công Hùng (theo Dân Việt)