Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

LÁ THƯ KHÔNG GỬI


Bố ạ! Đây là lần đầu tiên con ngồi viết thư cho bố. Con đã nghĩ rằng, có lẽ con chẳng có gì nhiều để nói với bố. Vì thực ra chưa khi nào bố dành nhiều thời gian cho con; nói chuyện hoặc vui chơi với con như cách của những người cha khác vẫn làm. Bố lúc nào cũng bận những việc gì đó, mà con và mẹ đều không biết.
Con nhớ mãi ngày con lên cấp hai, buổi học đầu tiên của năm học mới, cô giáo cho chúng con tự giới thiệu về mình và gia đình. Lúc đến lượt con, con đã rất dõng dạc: “Tớ là Hùng, tớ thích truyện Dế mèn phiêu lưu ký. Mẹ tớ là Hạnh, cán bộ thư viện, bố tớ là Mạnh, công an”.

LÁ THƯ KHÔNG GỬI

Không hiểu sao, khi con vừa kết thúc phần giới thiệu của mình thì cả lớp đều quay lại nhìn con với vẻ khó hiểu. Con nghĩ là mình đã nói sai gì đó. Nhưng làm sao có thể sai được, khi nói về bố mẹ mình?
Đến giờ ra chơi, các bạn chạy hết ra sân, chỉ còn mình con ngồi yên tại chỗ. Hình như không ai muốn rủ con ra chơi cùng. Con lủi thủi đi ra ngoài cửa lớp, lủi thủi đi dọc theo dãy hành lang mà không biết mình nên đi đâu, làm gì. Đúng lúc đó con nghe có tiếng “xì” rất to cất lên ở góc cây bàng. Con nhận ra đó là bạn Lan và Hoa, ngồi trên con một bàn.
- Úi giời công an ấy à. Mẹ tớ bán hàng, mấy ông công an rỗi việc, cứ lượn quanh quán của mẹ tớ suốt. Ngày lễ tết nào cũng đến “hỏi thăm”. Cậu biết “hỏi thăm” cái gì không?
Lan chưa kể hết câu thì cả Lan và Hoa đều đã cười phá lên. Hoa hào hứng tiếp lời:
- Chỗ nhà tớ ngày nào cũng tắc đường. Công an thì chả bao giờ thấy xuất hiện. Mà hôm trước tớ đọc báo thấy công an nhận hối lộ còn đòi bắt giam người ta nữa. Buồn cười thế không biết. Bố tớ bảo tớ cứ học thật giỏi, lớn lên kinh doanh với bố tớ. Bố tớ sẽ mua ôtô cho tớ còn đẹp hơn cái xe bây giờ bố tớ đang đi cơ. Chứ công an ấy à, tớ ghét nhất trên thế giới này.
Tai con ù đi. Mặt con nóng bừng bừng. Con cuống cuồng trở về lớp học, trong tâm trạng của người như vừa làm việc gì xấu sợ bị phát hiện. Cả buổi học hôm đó, con không nói với ai một lời nào. Con thấy ghét tất cả các bạn. Con ghét bố. Con ghét cả con nữa. Con tự hứa với mình, sẽ không bao giờ tiết lộ cho mọi người biết bố là công an.
...
Nhiều lúc con tự hỏi: sao bố là công an mà chẳng bao giờ con thấy bố mặc sắc phục chỉnh tề và dắt súng bên hông. Như thế có phải oai vệ không? Cũng chưa bao giờ con thấy bố xuất hiện trên báo để con có thể mang đến khoe với các bạn rằng bố tớ không như các bạn nghĩ đâu. Đằng này bố chỉ mặc áo phông quần bò, và đi vắng quanh năm suốt tháng. Có lúc bố để tóc dài, râu cũng dài, con nhìn mà thấy sợ.
Đến ngày nghỉ, các bạn hỏi con có được bố mẹ cho đi đâu chơi không, con không dám trả lời. Thậm chí con không nhớ nổi lần gần nhất bố cho hai mẹ con đi chơi là khi nào. Quanh năm suốt tháng chỉ có hai mẹ con lầm lũi đi ra đi vào trong căn nhà tập thể cạnh sông Tô Lịch, muỗi rào rào như trấu.
Bố làm công an thế nào con không biết, nhưng sao nhà mình bị người ta ném đá? Sao tường nhà bị người ta sơn đen loang lổ mà bố chẳng thể làm gì? Mẹ không dám cho con nghe điện thoại gọi đến. Có thời gian, mẹ và con đi đâu cũng có người đi theo. Mẹ phải gọi taxi đưa con sang nhà bà ngoại lánh tạm. Nhà bà thì xa, con phải dậy rất sớm để đi học cho kịp giờ. Ngồi sau lưng cậu Cường để đến lớp, con ngủ gà ngủ gật, có hôm suýt ngã xuống đường. Con tự hỏi: Sao bố chẳng ở nhà để bảo vệ hai mẹ con?
Có lúc con tự hỏi: Giữa công việc của bố và hai mẹ con, bố yêu bên nào hơn? Rõ ràng bố chẳng yêu gì mẹ và con. Nếu yêu con và mẹ, bố đã không đi biền biệt như thế. Nếu yêu con, mỗi khi đi công tác về, sao bố không có quà cho con, lại còn mắng con làm bài ẩu, mắng con học dốt thì sau này làm được trò trống gì.
Liệu có phải vì bố là bố con nên bố nghĩ mình có quyền mắng con? Con không học dốt. Bài tập hôm đó, con đã làm trong lúc sốt cao, người rất mệt. Tại sao bố không ở nhà để nhìn thấy điều đó? Bố không ở nhà chở con đi bác sĩ? Bao nhiêu ức chế dồn nén trong lòng, con đã gào lên “Con ghét bố. Con không cần bố”.
Bố nhìn chằm chằm vào con. Rồi bố lẳng lặng bỏ ra ngoài hút thuốc lá. Con sợ sệt đứng sau cánh cửa nhìn bố, nhưng không dám hỏi điều gì. Rất lâu, bố mới tiến lại gần con:
- Khi nào lớn, con sẽ hiểu công việc của bố, con trai ạ.
Con học sắp hết lớp sáu, lẽ nào lại chưa đủ lớn để hiểu, hả bố? Có điều gì mà bố lại không thể nói với con trai của mình? Bố chỉ tìm cách chống chế thế thôi. Con ghét bố!
...
Bố vẫn đi triền miên.
Lần nào cũng như lần nào, một tờ lịch xé vội đặt trên bàn với mấy dòng chữ nguệch ngoạc:
“Bố đi công tác. Yêu hai mẹ con”.
Thực ra bố có yêu con thật không?
Con đã từng nghĩ về điều này. Mẹ yêu con thì con biết. Mẹ chia sẻ mọi chuyện với con như một người bạn. Mẹ chăm chút cho con từng li từng tí. Con bị đứt tay, mà mẹ còn đau hơn cả con. Mẹ đứng đội trời mưa, chờ con thi xong. Mẹ ngồi gõ trống suốt trận đấu bóng có con tham gia, dù con biết mẹ không thích bóng đá. Còn bố? Bố chưa bao giờ dành cho con dù chỉ là một buổi tối.
Bố tất bật với những cuộc điện thoại, với những tin nhắn. Bố hối hả với những chuyến đi. Bữa cơm gia đình hiếm hoi có mặt bố, bố cũng chỉ ăn thật nhanh rồi bỏ ra phòng khách xem thời sự. Nếu có nói gì đó với hai mẹ con, lần nào bố cũng chỉ nói mấy câu “hai mẹ con vất vả quá”, “hai mẹ con phải cố gắng nhé”.
Có lần, vào kỳ nghỉ hè, bố trở về nhà sớm. Bố gọi con rất to:
- Con trai đâu, bố được nghỉ phép một tuần. Con thích đi đâu, bố sẽ cho con đi.
Hẳn là bố muốn chuộc lỗi với hai mẹ con? Con thấy mình như kẻ chiến thắng.
Biển. Con lập tức nghĩ ngay đến biển. Con thích ra biển. Các bạn lớp con đều đã biết biển, nhưng con thì chưa.
Mẹ bảo:
- Để em lấy phép cơ quan rồi cả nhà mình đi biển nhé.
Tối hôm ấy, con toàn nằm mơ thấy biển. Con thấy mình có đôi chân lướt đi được trên mặt nước. Con thấy những con cá biết nói tiếng người.
Ngày hôm sau, mẹ tất bận chuẩn bị đồ cho cả nhà đi nghỉ. Bộ đồ bơi, kính lặn. Và còn có cả chiếc diều mẹ mua cho con tuần trước nữa. Cả nhà mình như mở hội. Con thấy mẹ hát khe khẽ trong lúc sấy tóc.
Đêm đó, cả nhà mình đi ngủ sớm để mai lên đường.
Chuyện lẽ ra là như thế.
Nếu không có cuộc điện thoại lúc nửa đêm.
Bố hối hả trở dậy. Đi ra phòng khách để nghe điện. Cả mẹ và con đều thức giấc, nín thở chờ bố nghe xong cuộc điện thoại. Bởi có lẽ cả mẹ và con đều sợ những cuộc điện thoại bất thường gọi đến lúc nửa đêm.
Bố nghe điện xong nhưng vẫn không trở vào giường ngủ. Con ngửi thấy mùi thuốc lá khét lẹt. Hình như lúc nào căng thẳng, bố toàn hút thuốc.
Mẹ ôm con vào lòng, xoa lưng cho con, giọng thầm thì khe khẽ:
- Thôi, ngủ đi con.
Mẹ nói thế thôi, nhưng con biết, mẹ cũng chẳng thể ngủ được.
Nỗi sợ của hai mẹ con không hề nhầm lẫn. Bố đã chẳng thể đi biển như đã hứa. Bố phải nhận nhiệm vụ khẩn cấp, và phải lên đường ngay, không được phép chậm trễ.
Hai mẹ con vẫn đi biển mà không có bố. Bộ đồ bơi của mẹ suốt chuyến đi, vẫn nằm yên trong túi.
...
Hai mẹ con trở về nhà, vắng bố.
Con đến trường, tất bật chuẩn bị cho năm học mới. Điện thoại cho mẹ, bố bảo bố đang ở xa lắm, chưa biết khi nào bố mới về được.
Bố biết không, thực ra thì con đã nhìn thấy bố. Con đã nhìn thấy sự DỐI TRÁ và PHẢN BỘI của bố.
Bố không hề đi công tác xa như bố bảo.
Hôm đó tan học, con đi bộ về nhà thì nhìn thấy bố. Trông bố khác lắm. Tóc bố vuốt keo bóng mượt. Áo sơ mi kẻ sọc là cứng li. Đằng sau bố là một cô rất xinh, váy đỏ ngắn đến đầu gối. Cô ôm ngang hông bố, má tì sát vào cổ bố. Hai người vừa đi vừa cười với nhau. Cô kia ôm bố rất chặt. Bố chở mẹ cũng chưa bao giờ mẹ ôm bố chặt thế.
Con đã không tin nổi vào mắt mình.
Tại sao bố vẫn ở trong thành phố mà bố không về nhà với mẹ, với con? Con nghi ngờ những chuyến công tác xa trước đây của bố. Có thể con chưa lớn trong mắt bố, nhưng con cũng hiểu được, đó là sự lừa dối.
Con đã thật sự thất vọng và đổ vỡ về bố.
Con chạy phăm phăm về nhà, định bụng sẽ kể cho mẹ nghe. Mẹ không việc gì phải chăm chút, chờ đợi một người chồng xấu xa như bố. Đầu con như có lửa. Con muốn đập phá một cái gì đó.
Mẹ đón con ở cửa ra vào, xanh xao, tiều tụy.
Mẹ đã ốm mấy hôm nay, đêm ho rất nhiều. Bố đã không hề biết điều đó. Thực ra ở gia đình mình, bố biết điều gì, hả bố? Nhìn mẹ, con không nỡ kể chuyện mình vừa gặp cho mẹ nghe. Mẹ làm sao chịu đựng nổi sự thực đau lòng ấy? Con tự hứa từ nay con sẽ yêu mẹ, chăm sóc mẹ nhiều hơn, không cần có bố.
Hai hôm sau bố trở về nhà. Áo phông, quần bò, bụi bặm và mệt mỏi. Khác hẳn với dáng vẻ bóng bẩy con đã bắt gặp ngày hôm trước, khi bố đi cùng cô áo đỏ. Trong túi quần áo bẩn bố đưa cho mẹ giặt, con đã nhận ra chiếc áo kẻ sọc. Và trong con lóe lên một âm mưu. Con đợi mẹ giặt sạch, phơi áo lên mắc rồi xách làn đi chợ, con mới thực hiện âm mưu của mình.
Con làm như tình cờ bút bị hỏng và vảy thẳng mực trong bút vào chiếc áo ấy. Chiếc áo đẹp đẽ bỗng chốc loang lổ vệt mực tím. Bố lao từ trong nhà ra, quất mạnh vào mông con. Thay vì gọi con là con, thì bố gọi con là “mày” - Mày vừa giở cái trò gì đấy hả Hùng?
Con đau vì bị bố đánh thì ít, đau vì bị bố gọi là “mày” thì nhiều. Con tiếp tục vảy nốt số mực còn lại trong bút vào áo bố và bỏ chạy ra ngoài cổng. Bố đã không đuổi theo con.
Buổi tối, mẹ tìm được con đói lả, đưa về nhà thì bố lại đã đi. Chiếc áo kẻ sọc không thấy treo trên dây phơi nữa.
Mẹ không biết chuyện gì xảy ra giữa hai bố con. Con thề sẽ không hé răng nói một lời nào.
Kể từ hôm đó, những lần bố đi công tác về, con luôn tìm cách trách mặt bố, tránh nói chuyện với bố. Con trở nên lầm lì và hay cáu bẳn.
Sợ bố buồn, mẹ phải phân bua: “Con nó đang khủng hoảng tuổi 13”.
Tất cả những chuyện này, chỉ có con và bố hiểu mà thôi. Tốt nhất là mẹ không nên biết.
...
Con đã nghĩ là mình luôn đúng, trong mọi trường hợp...
...
Một ngày, vào buổi tối, có một cô và một chú mặc sắc phục công an đến nhà mình. Con nhận ra cô mặc váy đỏ đi cùng bố hôm trước. Sao cô cũng là công an? Hai cô chú nói điều gì đó rất nghiêm trọng rồi đưa cho mẹ túi đồ của bố. Con nhìn thấy trong đó cả chiếc áo kẻ sọc loang lổ vết mực và một cuốn sổ nhỏ màu ghi nhạt.
Mẹ ngất xỉu ngay giữa phòng khách. Lúc tỉnh dậy, mẹ lao đến ôm chặt lấy con mà khóc, không giải thích một lời nào. Mẹ tiễn hai người ra cửa, giọng nghẹn ngào:
- Tự em sẽ nói cho cháu biết. Cảm ơn các anh chị.
Con lờ mờ đoán có chuyện khủng khiếp gì đó đã xảy ra. Nhưng đó là chuyện gì? Sao không ai nói với con? Sao lúc nào cũng coi con là trẻ con?
Mẹ xin nghỉ ốm ở nhà. Người mẹ mỏng như một dải lụa. Mắt lúc nào cũng ướt nước. Mẹ phải nhờ bác An hàng xóm đưa con đi học. Có bao nhiêu việc phải chuẩn bị cho một năm học mới. Cô giáo luôn nhắc nhở chúng con phải đi học đầy đủ.
Hôm đó là thứ hai, sau khi cô liên đội trưởng nhắc chúng con về việc tập đội hình đội ngũ cho lễ khai giảng sắp tới thì thầy hiệu trưởng xuất hiện. Mặt thầy nghiêm nghị. Thầy bảo:
- Trong thành phố chúng ta thời gian gần đây có những vấn đề an ninh bất ổn. Một nhóm tội phạm chuyên tổ chức bắt cóc các học sinh. Vừa qua tại trường tiểu học X, một lớp học gồm 32 em và một giáo viên đã bị nhóm tội phạm này khống chế trong nhiều giờ, hòng gây áp lực với chính quyền. Một chiếc sĩ công an đã dũng cảm mở đường máu, thu hút sự chú ý của bọn chúng, tạo điều kiện cho đồng đội ập vào giải thoát con tin và khống chế tội phạm. Anh đã bị hy sinh. Vụ việc này báo chí và truyền hình đã đưa tin, có thể các em đã nghe và đã đọc.
Nhưng thầy vẫn muốn nhắc nhở các em phải tự biết bảo vệ mình. Tan học các em phải về nhà ngay, không đi la cà một mình. Nhân dịp này toàn thành phố phát động phong trào học tập noi gương người anh hùng Hoàng Đức Mạnh dũng cảm hy sinh để bảo vệ bình yên cho thành phố, trường ta cũng tổ chức phong trào Nghìn hoa điểm mười dâng lên người anh hùng. Thông tin chi tiết các em có thể xem trên bản tin. Chúng ta sẽ dành một phút để mặc niệm người anh hùng Hoàng Đức Mạnh.
Con nghe đất dưới chân mình như sụt xuống. Hoàng Đức Mạnh! Sao lại là Hoàng Đức Mạnh? Con lao ra bản tin của nhà trường, nhìn trân trân vào bức ảnh bố trên tờ báo loang lổ vết nước mưa. Con không tin vào tai mình, không tin vào mắt mình nữa.
Bố ơi!
...
Một tháng trôi qua, mẹ vẫn chưa thể gượng dậy.
Cuốn sổ bìa màu ghi nhạt mẹ đặt trên bàn học của con. Trang đầu tiên bố viết: “Yêu thương gửi vợ và con trai”. Hình như bố linh cảm được việc ra đi của mình.
Bố viết về những đợt điều động bất thường. Tổ công tác của bố, hai người đã lớn tuổi đang chờ chế độ; một người vừa xin chuyển sang bộ phận khác; một người đã hy sinh trong một tai nạn trên đường làm nhiệm vụ. Nguy hiểm cận kề, mọi bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Kể cả với những người thân. Bố không lo cho mình mà chỉ lo cho mẹ và con. Nhưng bố không thể bỏ nhiệm vụ.
Bố viết trong nhật ký:
“Con trai của bố, sẽ có lúc bố đưa con ra biển, bố dạy con tập bơi, dạy con không run sợ trước sóng dữ.
... Bố biết, lâu nay bố chưa làm tròn trách nhiệm của một người cha tốt. Bố cũng mong ước về một tổ ấm gia đình với những niềm vui bình dị ngày thường. Nhưng bọn tội phạm vẫn hoành hành với mức độ tinh vi và xảo quyệt hơn. Bố là một người lính và người lính thì không được phép rời bỏ nhiệm vụ của mình. Bố đành có lỗi với vợ và con.
Sau này con lớn, con sẽ hiểu và tha lỗi cho bố...
Bàn học của con bố đã sửa. Hộp bút chì bố cũng đã gọt sẵn cho con. Bố lo lắng về tư thế ngồi học của con, nếu con không sửa thì dễ bị cận thị. Bố biết con thích môn văn và tiếng Anh. Biết tin con giành giải nhất môn Anh văn toàn thành phố, bố đã khoe với anh em trong tổ, ai cũng chia vui với bố. Bố luôn yêu con và tự hào về con”.
...
Bố, có thể con chưa lớn để hiểu hết mọi chuyện, nhưng con biết lâu nay con đã SAI, rất SAI bố ạ.
...
Con viết lá thư này, dù biết rằng bố chẳng bao giờ có thể đọc được nó. Nhưng nó sẽ là lá thư theo con đi suốt cuộc đời này. Để nhắc nhở với con rằng, con có một người cha như thế.
Sự anh hùng, đâu có cần phải nhiều lời, phải không bố???
(Sưu tầm)