Hôm nay, 16/01/2018, phiên tòa sơ
thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng cùng 21 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái
quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản
xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu
khí Việt Nam (PVC) tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng.
Trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Đinh La Thăng
đã kiến nghị HĐXX, Viện kiểm sát (VKS) thay đổi biện pháp ngăn chặn để bản thân bị cáo được tại
ngoại vì bản thân không gây nguy hiểm cho xã hội nên không cần thiết phải bị tạm
giam.
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, những
quy kết, kết luận mà VKS cho bản thân bị cáo là chưa đúng, song vẫn tôn trọng
quan điểm luận tội của VKS.
Bị cáo Thăng đề nghị VKS xem xét lại
cáo buộc có “lợi ích nhóm” trong vụ án. Bởi vì “việc người đi, người đến và thủ
trưởng bổ nhiệm cán bộ là chuyện hết sức bình thường. Chẳng lẽ cứ bổ nhiệm là lợi
ích nhóm? Vấn đề này không phải thuần túy là lời buộc tội mà còn là lương tâm,
trách nhiệm, danh dự của tập thể và của nhiều người. Ngoài ra bị cáo Đinh La
Thăng cũng cho hay, thời điểm thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2,
VKS cho rằng PVC không đủ năng lực mà chỉ có Lilama là không đúng. Bởi thời điểm
lúc đó không có đơn vị nào đủ điều kiện, nhất là về kinh nghiệm.
Theo bị cáo, thẩm quyền chỉ định
thầu dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc Hội đồng thành viên PVPower quyết
định. Khi bị cáo chuyển công tác từ tháng 8/2011, chủ đầu tư chuyển về PVN thì
lãnh đạo tập đoàn đánh giá lại vẫn chỉ định PVC đủ năng lực thực hiện dự án
Thái Bình 2.
Về tính hợp pháp của hợp đồng EPC
số 33, một lần nữa bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, bị VKS quy kết là trái pháp
luật, vì thẩm quyền là PVPower, HĐTV của PVN chỉ đạo bằng nghị quyết, văn bản,
kết luận chứ không chỉ đạo bằng miệng. Bản thân bị cáo chỉ được thực hiện trong
chức năng nhiệm vụ của mình. Trong khi đó tại các cuộc họp bị cáo không hề nhận
được thông báo hợp đồng EPC số 33 có sai phạm.
Một tình tiết quan trọng mà bị cáo
Đinh La Thăng trình bày trước HĐXX là, khẳng định việc PVPower 4 lần đề nghị
xin tiền tạm ứng thì 3 lần bị cáo không giải quyết. Một lần duy nhất thì bị cáo
chỉ đạo tạm ứng theo quy định và PVC không được sử dụng tiền này cho dự án khác
ngoài Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tại phiên tòa, hầu hết những người
tham dự đều khẳng định, đây là phiên tòa có sự đổi mới và đặc biệt là hết sức
nhân văn và dân chủ.