Những điểm gì mới tại phiên toà
xét xử bị cáo Đinh La Thăng?
(VĐĐC) Đây là một trong những phiên toà đầu tiên
được áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự mới (Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, có
hiệu lực từ 01/01/2018). Vì vậy, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng tất cả các quy định mới
trong việc điều hành, điều khiển quá trình xét xử.
Từ ngày 08/01 đến 21/01/2018, TAND TP.Hà Nội
sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm trong vụ án Cố ý
làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều
165 Bộ luật Hình sự 1999) và Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999) xảy
ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC.
Điều hành phiên tòa là Hội đồng
xét xử có 5 người, gồm Thẩm phán chủ tọa Nguyễn Ngọc Huân, Thẩm phán Trương Việt
Toàn cùng 3 Hội thẩm nhân dân. Tòa án nhân dân TP Hà Nội bố trí một thẩm phán dự
khuyết và hai hội thẩm nhân dân dự khuyết. Đại diện cơ quan công tố tại phiên
tòa, dự kiến có các ông: Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội),
Nguyễn Minh Đồng (Kiểm sát viên cao cấp), Nguyễn Mạnh Thường (Kiểm sát viên cao
cấp). Theo kế hoạch, VKSND TP Hà Nội còn bố trí hai kiểm sát viên dự khuyết
tham gia phiên tòa.
Có 42 luật sư đăng ký tham gia
phiên tòa. Bị cáo Đinh La Thăng mời ba luật sư, gồm các ông: Nguyễn Huy Thiệp,
Đào Hữu Đăng, Phan Trung Hoài. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh mời năm luật sư, bị cáo
Phùng Đình Thực có ba luật sư... Hai nguyên đơn dân sự của vụ án là Tập đoàn Dầu
khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Tòa dự kiến mời 07 người có quyền lợi và nghĩa vụ
liên quan, 31 người làm chứng và 06 người tham gia giám định tham dự phiên tòa.
Đây là một trong những phiên toà
đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự mới (BLTTHS năm 2015, có hiệu lực
từ 01/01/2018). Vì vậy, HĐXX sẽ áp dụng tất cả các quy định mới trong việc điều
hành quá trình xét xử.
Về mặt nội dung, một điểm mới của
BLTTHS năm 2015 là chú trọng, bảo đảm tối đa quyền tranh tụng của những người
tham gia tố tụng. Việc này phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà
nước đề ra, đồng thời bảo đảm quyền con người tốt hơn nữa cho các bị cáo cũng
như đảm bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội với bị can, bị cáo.
Về hình thức xét xử, phòng xử có
nhiều điểm mới theo luật định, như không có vành móng ngựa, đại diện VKSND ngồi
đối diện với luật sư...
Sơ đồ phiên toà ngày 08/01/2018 |
Theo quy định tại Thông tư
01/2017/TT-TANDTC của Toà án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án có hiệu lực
từ ngày 01/01/2018, các phiên tòa xử án đều không có vành móng ngựa, bị cáo và
người tham gia tố tụng khác sẽ có bục khai báo riêng. Vị trí bục khai báo của bị
cáo và những người tham gia tố tụng khác được bố trí đối diện với vị trí của
HĐXX. Bục khai báo cũng được coi là một giải pháp giúp bị cáo thuận lợi hơn
trong quá trình tự bào chữa mà không mời luật sư. Dưới sự điều hành của chủ tọa
phiên tòa, những người tham gia tố tụng khác cũng có thể đứng tại chỗ để khai
báo.
Thông tư quy định rõ bục khai
báo của bị cáo tại phiên tòa được làm bằng gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp, màu
nâu. Việc thay vành móng ngựa bằng bục khai báo về cơ bản không thay đổi bản chất
của phiên tòa. Việc bỏ vành móng ngựa trong tất cả các phòng xử án cho thấy
nguyên tắc "suy đoán vô tội" và “giả định phạm tội" được tôn trọng.
Theo nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì "không ai bị coi
là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa
án". Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định nguyên tắc này tại Điều 13
với tên gọi mới là "Nguyên tắc suy đoán vô tội".
Phòng xử án được bố trí hai bục:
- Bục cao nhất là HĐXX, Thẩm
phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp.
- Bục thứ hai là vị trí của những
người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên
tòa.
Phòng xử án phải bảo đảm không
gian để tiến hành phiên tòa và hàng rào ngăn cách giữa khu vực của những người
tiến hành tố tụng với khu vực của người tham dự phiên tòa. Phải bố trí lối đi
riêng cho HĐXX và những người tiến hành tố tụng khác. Tường trong phòng xử án
có nền màu vàng.
Do số người được triệu tập trong
vụ án rất đông trong khi diện tích phòng xử của Tòa án Hà Nội chỉ đủ chỗ ngồi
cho những người tham gia tố tụng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên đối
với các phóng viên đưa tin phiên tòa được bố trí một hội trường riêng, có kênh
dẫn truyền trực tiếp để tác nghiệp.
Trong vụ án này, có tổng số 22 bị
cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, 12 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây
hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - BLHS năm 1999,
gồm: Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN);
Phùng Đình Thực - nguyên Tổng Giám đốc PVN; Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN.
Tiếp đến là Ninh Văn Quỳnh -
nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN; Lê
Đình Mậu - nguyên Phó Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán PVN; Vũ Hồng Chương -
nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 (thuộc PVN); Trần
Văn Nguyên - nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình
2 (thuộc PVN); Nguyễn Ngọc Quý - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVN; Nguyễn Mạnh Tiến
- nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN; Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng PVN;
Trương Quốc Dũng - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN.
Có 8 bị cáo liên quan bị truy tố
về tội "Tham ô tài sản", theo quy định tại Điều 278, khoản 4 - BLHS
năm 1999, gồm: Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN; Bùi Mạnh Hiển -
nguyên Chánh văn phòng PVN; Lương Văn Hòa - nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án
Vũng Áng - Quảng Trạch (thuộc PVN); Nguyễn Thành Quỳnh - nguyên Giám đốc kỹ thuật
công nghệ Tổng công ty cổ phần miền Trung - Công ty cổ phần Đà Nẵng.
Các bị cáo còn lại Lê Thị Anh
Hoa (vợ của bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh) - nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành
viên Quỳnh Hoa; Nguyễn Đức Hưng - nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Ban Điều
hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch (thuộc PVN); Lê Xuân Khánh - nguyên Trưởng
phòng Kinh tế - Kế hoạch, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch (thuộc PVN) và Nguyễn Lý Hải - nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch (thuộc PVN).
Riêng hai bị cáo Trịnh Xuân
Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PVC và Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng
Giám đốc PVC bị truy tố cùng lúc về cả 2 tội danh là “Cố ý làm trái quy định của
Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.
Bách Sa
Bách Sa