Giấy phép lái xe ô tô ở Việt Nam hoàn toàn có thể đổi thành Giấy phép lái xe Quốc tế và nhiều nước khác cũng vậy. Tuy nhiên, Giấy phép lái xe Quốc tế của Việt Nam cấp và các nước khác cấp thông thường sẽ có ghi bằng tiếng Anh (international driver's license). Và kèm theo là một tài liệu được gọi là "international driver's document" với nội dung được xác nhận hạng xe được lái được dịch qua nhiều thứ tiếng, tất nhiên là có tiếng Anh. (Như của Mỹ thì được dịch qua 9 loại ngôn ngữ khác nhau).
Như vậy ở đây phải hiểu là có 2 loại giấy phép lái xe: của quốc gia và của Quốc tế. Sự công nhận Giấy phép lái xe Quốc tế của nước khác cấp có giá trị tại Quốc gia mình được dựa vào Công ước Giao thông đường bộ 1968. Tính đến năm 2016 có 73 Quốc gia là thành viên (trong đó có Việt Nam và Đức).
Tại điểm a Khoản 2 Điều 41 của Công ước Giao thông đường bộ 1968 quy định: "Giấy phép nội địa được viết bằng ngôn ngữ chính thức hoặc một trong những ngôn ngữ chính thức của Quốc gia đang lưu thông, hoặc nếu không viết bằng ngôn ngữ như vậy thì phải đi kèm với bản dịch có chứng nhận".
Quay trở lại vụ việc của Đội CSGT Cát Lái gây xôn xao mấy ngày nay. Tại thời điểm kiểm tra lái xe chỉ xuất trình được giấy phép lái xe ghi bằng tiếng Đức. Không có bản dịch nào bằng tiếng Anh (có thể có nhưng theo thông tin báo chí tôi không thấy) và không có bản dịch nào bằng tiếng Việt có chứng nhận - mà theo Công ước buộc phải có. Như vậy có 2 điểm cần hiểu ở đây:
- Giấy phép lái xe như vậy lưu thông ở Việt Nam là trái Pháp luật Quốc tế (cụ thể là Công ước giao thông đường bộ 1968 mà Việt Nam là thành viên). Tuy nhiên, Cảnh sát giao thông lại nói là Giấy phép lái xe Quốc tế không có giá trị ở Việt Nam là sai mà phải nói trong trường hợp này Giấy phép chưa hợp lệ ở Việt Nam (vì thiếu bản dịch bằng Tiếng Việt có chứng nhận). Theo thông tin báo chí, sau đấy CSGT trả lại phương tiện và giấy phép cho lái xe, tôi đánh giá đó là sự thiếu lập trường và chưa hiểu hết Công ước.
- Cảnh sát giao thông Việt Nam đa số sẽ không biết tiếng Đức vì đa phần được đào tạo ngoại ngữ tại các trường Công an nhân dân là tiếng Anh.
Thêm một vấn đề nhiều người chê trách, tự xưng là trình độ Đại học tại sao không biết về Công ước quốc tế giao thông đường bộ 1968. Xin thưa thế này, hệ Đại học của Công an nhân dân đào tạo rất bài bản. Trong học phần có môn Luật Quốc tế. Tuy nhiên phải hiểu không gì mênh mông bằng Luật Quốc tế và Luật Quốc tế phải được điều chỉnh bằng Luật Quốc gia (nội luật hóa Luật Quốc tế) thì mới có giá trị Pháp lý ở Quốc gia thành viên. Tùy ngành học mà sẽ học các phần về Luật Quốc tế, ví dụ như học về chuyên ngành Điều tra chủ yếu sẽ học về UNLOS 1982 (Luật Biển Quốc tế 1982) và các vấn đề liên quan đến tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm... Các Trường Luật cũng vậy tùy ngành học mà học các vấn đề có liên quan trong Luật Quốc tế. Vì thế chẳng ai tài giỏi gì dám vỗ ngực xưng tên ta đây biết hết về Luật Quốc tế. Kể cả giảng viên dạy tôi là Tiến sĩ Luật khi tôi hỏi một vấn đề của Luật Quốc tế thì giảng viên cũng thẳng thắn hẹn lại để nghiên cứu và phúc đáp sau; thậm chí giảng viên Đại học Luật Huế (có lần tôi vào dự thính) còn giảng sai nữa cơ. Và Việt Nam rất kém về Luật Quốc tế, bao nhiêu tranh chấp thương mại Quốc tế mình kiện toàn thua nước khác. Dông dài để tôi muốn khẳng định lại về việc Cảnh sát giao thông trong tình huống trên còn khiếm khuyết về Luật Quốc tế là điều dễ hiểu. Bởi vì, Luật Quốc tế rất rộng như đã trình bày trên và những vụ việc liên quan đến Giấy phép lái xe Quốc tế mà họ xử lý là quá ít so với khối lượng công việc; Không những thế Cảnh sát giao thông ra đường thi hành nhiệm vụ phải nắm một mớ Luật, Nghị định, Thông tư,... cho nên cái gì ít dùng đến "quên" là chuyện bình thường, nhất là tình huống hiếm gặp trong thực tế.
Nói đi phải nói lại, hành xử và thái độ lời nói của các sĩ quan Cảnh sát giao thông như vậy là chưa đúng mực, không đúng với tư thế lễ tiết, tác phong, Điều lệnh và quân phong, quân kỷ của ngành Công an. Tuy nhiên, hãy để ý video clip không liền mạch, tất nhiên người vi phạm khi nào cũng có tâm lý muốn thuật lại sự việc theo hướng sao cho có lợi nhất với mình. Rất có thể hình ảnh mà người vi phạm khiếm nhã với lực lượng công vụ đã bị loại bỏ đi.
Tóm lại, qua vụ việc lực lượng chấp pháp cần nắm vững tất cả quy định Pháp luật, chức năng, quyền hạn của lực lượng mình. Cách ứng xử cần phải khôn khéo, kiềm chế nhưng kiên quyết. Người dân trước khi ném đá hội đồng thì cần nghiên cứu, suy nghĩ trước. Đúng - sai là phải suy nghĩ, không thể cảm tính được. Cứ nhắc đến "Bằng lái Quốc tế", Công ước Quốc tế nhưng khái niệm thế nào là "Bằng" thế nào là "Giấy phép" còn không biết, Công ước thì chưa đọc nhưng đã vội hùa theo đám đông (đó cũng là hiệu ứng tâm lý cực kỳ xấu của người Việt Nam ta).
Thủ Đức, Mậu Tuất hạnh nguyệt thượng tuần.
Công lộ Cảnh sát phiếm đàm
Đạt Trần