Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Tính toán sai lầm của Putin trước "đòn hội đồng" phương Tây



Lãnh đạo Nga dường như đã coi nhẹ sức ảnh hưởng của Anh và không lường trước quy mô đòn đáp trả phương Tây sẽ nhắm vào mình.

Tính toán sai lầm của Putin trước "đòn hội đồng" phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Việc 28 quốc gia liên tiếp đưa ra quyết định trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh được cho là một "đòn hội đồng" mà phương Tây nhắm vào Moscow và là một chiến thắng chính trị đáng kể của Thủ tướng Anh Theresa May, theo CNN.

Bố con Skripal bị trúng chất độc thần kinh Novichok ở Salisbury hôm 4/3 và được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch với cơ hội sống sót "chưa tới 1%". Bà May ngay sau đó cáo buộc Nga "khả năng cao" đứng sau vụ tấn công và yêu cầu Điện Kremlin đưa ra lời giải thích trong vòng 24 giờ về việc loại chất độc do Liên Xô phát triển được sử dụng trong một âm mưu giết người ở Anh.

Phản ứng ban đầu của Nga là bác bỏ hoàn toàn cáo buộc của Anh, gọi đây là "một màn diễn xiếc", đồng thời phản pháo London đang phát động một "chiến dịch thông tin - chính trị dựa trên sự khiêu khích".

Bình luận viên Shashank Joshi của CNN cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như không mấy quan tâm đến lời cáo buộc của Anh trong một vụ việc được coi là riêng lẻ. Nga từ lâu luôn coi Anh là một quốc gia yếu ớt và ngày càng bị cô lập sau Brexit, trong khi EU thì đang bị chia rẽ bởi khủng hoảng kinh tế và tị nạn. Mỹ, đồng minh lớn nhất của Anh, lại có chính sách đối ngoại bị ảnh hưởng bởi quan điểm thân thiện với Nga của Tổng thống Donald Trump.

Bị Nga phớt lờ, không đưa ra bất cứ lời giải thích nào sau hạn chót, Anh quyết định đổi chiến thuật. Sau khi các điều tra viên thuộc lực lượng phòng hóa quân đội Anh phát hiện dấu vết chất độc Novichok, họ liền mời đại diện của Tổ chức Cấm phổ biến Vũ khí Hóa học (OPCW) tham gia cuộc điều tra.

Novichok được coi là một loại vũ khí hóa học nguy hiểm, có độc tính cao gấp nhiều lần so với những chất độc thần kinh khác như VX hay sarin. Sự tham gia của một tổ chức quốc tế như OPCW làm gia tăng đáng kể độ tin cậy của cuộc điều tra, tạo điều kiện cho bà May gọi điện kêu gọi các lãnh đạo đồng minh có biện pháp đáp trả Nga.

Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Putin trong khi đó vẫn chỉ tung ra những lời bác bỏ thẳng thừng các cáo buộc, tuyên bố Điện Kremlin không có thông tin gì về vụ tấn công ở Salisbury. Họ cũng đưa ra một loạt thuyết âm mưu về nguồn gốc của chất Novichok, thậm chí còn cho rằng chất độc này được chế tạo ở Thụy Điển hay Cộng hòa Czech.

Có vẻ như Putin không ngờ được rằng vụ tấn công ở Salisbury là "giọt nước tràn ly", khi Mỹ và một loạt nước phương Tây khác từ lâu đã tỏ ra tức giận với các hoạt động của Nga vốn bị cho là can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Sự kiên nhẫn mà phương Tây dành cho Nga dường như đã chạm tới đỉnh điểm và những cuộc gọi thuyết phục đồng minh "đánh hội đồng Nga" của bà May đã phá vỡ giới hạn đó, dù London chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục về vai trò của Moscow trong cuộc tấn công.

Trong tuyên bố trục xuất nhà ngoại giao Nga của mình, Đức cho biết họ đưa ra quyết định không chỉ vì vụ Skripal, mà còn do "sự xâm phạm của Nga" vào mạng lưới dữ liệu an ninh của nước này.

Tính toán sai lầm của Putin trước "đòn hội đồng" phương Tây
Bố con Skripal trước khi bị đầu độc.

Australia thì cho rằng "một loạt hành động hung hăng, liều lĩnh" mà Nga có thể liên quan, trong đó có vụ bắn rơi máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia Airlines trên bầu trời Ukraine và việc can thiệp vào các cuộc bầu cử phương Tây, là lý do khiến họ trục xuất các nhà ngoại giao Moscow.

Estonia, nước trục xuất tùy viên quân sự Nga, từng nhấn mạnh trong báo cáo tình báo năm ngoái rằng các nước châu Âu như Czech, Đức, Thụy Điển... đã phát hiện "mức độ ngày càng tăng của các hoạt động tình báo Nga".

Mỹ cũng đồng loạt trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga, đóng cửa lãnh sự quán ở Seattle, tuyên bố hành động này giúp nước Mỹ an toàn hơn "vì giảm khả năng hoạt động gián điệp của Nga đối với người Mỹ cũng như năng lực thực hiện các điệp vụ ngầm đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ".

Hậu quả lâu dài

Đây không chỉ là đợt trục xuất nhà ngoại giao Nga lớn nhất của Mỹ trong hơn 30 năm qua, mà còn là đòn trừng phạt tập thể quy mô nhất trong lịch sử tình báo thế giới, có thể khiến nước Nga hứng chịu hậu quả nặng nề trong thời gian dài.

Theo bình luận viên Joshi, đòn trừng phạt hội đồng này của phương Tây là "một mũi tên trúng hai đích". Nó vừa phát đi thông điệp răn đe tới Nga rằng bất cứ hành động tấn công nào nhắm vào một đồng minh của họ cũng sẽ phải trả giá, vừa khiến Moscow gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp tục hoạt động tình báo trong lòng phương Tây.

Theo một cựu quan chức tình báo Anh giấu tên đang làm việc cho Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia, các điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc là nhân viên ngoại giao trong các đại sứ quán Nga có thể hỗ trợ đắc lực cho các điệp vụ của Moscow ở nước ngoài, cũng như xây dựng mạng lưới tình báo rộng khắp.

Paul Adams, bình luận viên của BBC, cho rằng với việc hơn 100 nhân viên ngoại giao tại các đại sứ quán, lãnh sự quán ở 28 quốc gia bị trục xuất, tình báo Nga sẽ hứng chịu đòn giáng rất nặng nề, khi mất đi một "thế hệ điệp viên" đã dày công xây dựng ở Mỹ và châu Âu. "Điều này sẽ khiến Nga gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin tình báo và tuyển mộ điệp viên, ít nhất là trong tương lai trước mắt", Adams nói.


Hành trình từ đại tá tình báo Nga tới nạn nhân bị đầu độc của Skripal.

Các chuyên gia tình báo cho rằng đòn trừng phạt hội đồng này gây thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với những lần trục xuất riêng lẻ trước đây. Nga sẽ gần như không thể bù đắp được những lỗ hổng trong mạng lưới tình báo mà các nhân viên bị trục xuất để lại tại 28 quốc gia cùng một lúc, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thu thập thông tin ở nước ngoài của họ.

Moscow cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để khôi phục các "rezidentury", những cơ sở tình báo ở nước ngoài, bởi các nước phương Tây nhiều khả năng sẽ chia sẻ thông tin cho nhau nhiều hơn về mạng lưới sĩ quan tình báo Nga bị tình nghi hoạt động ở quốc gia họ.

Đây có thể là quãng thời gian tồi tệ nhất của các cơ quan tình báo Nga trong suốt nhiều thập kỷ qua, cũng là thời điểm đánh dấu sự sụp đổ trong quan hệ giữa Nga với phương Tây. Nước Nga vốn bị châu Âu cấm vận suốt 4 năm qua sẽ bị đẩy vào tình thế bị cô lập hơn nữa, đặc biệt là khi họ tung ra các đòn đáp trả phương Tây.

Ngay cả khi căng thẳng hạ nhiệt, Nga cũng sẽ phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được quan hệ với phương Tây trước khi tính tới phương án dỡ bỏ lệnh cấm vận và tái gia nhập G7, Joshi nhận định.