Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Võ Thị Sáu - Nữ tù binh đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo



Ngày đó có một người con gái Đất Đỏ, tuổi vừa trăng tròn đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Cuộc đời chị đã trở nên bất diệt với những huyền thoại để đời sau ghi nhớ. Chị là Võ Thị Sáu - nữ anh hùng của nước Việt.

Võ Thị Sáu - Nữ tù binh đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo


Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Được sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, năm 1947 khi mới 14 tuổi, chị gia nhập Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ với mong muốn trừng trị bọn ác ôn. Từ đó, chị đã trở thành người chiến sĩ trinh sát làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian với nhiều chiến công nổi tiếng.

Võ Thị Sáu - Nữ tù binh đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo


Tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt hai tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Không may chị bị sa vào tay địch. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì, liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và sau đó mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị.

Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa và đồng bọn đều phải nể sợ. Chị sang sảng khẳng định: "Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội". Và khi tên quan tòa rung chuông ngắt lời chị, tuyên án: "Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản", chị đã thét vào mặt y: "Tao còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!". Tiếp đó là tiếng hô: "Đả đả thực dân Pháp!". "Kháng chiến nhất định thắng lợi!".

Thực dân Pháp muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Chúng phải tiếp tục giam chị ở khám Chí Hòa và rồi đưa ra Côn Đảo. Ngày 23/01/1952, chúng thi hành bản án, bắn chết chị ở ngoài hòn đảo xa đất liền này sau hai ngày chúng đưa chị ra đây. Biết sắp bị hành hình, suốt đêm 22, chị đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng: Lên đàng, Tiến quân ca, Cùng nhau đi hùng binh...

Lời nói đanh thép trước lúc hi sinh

Bốn giờ sáng ngày 23/01/1952, sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án, viên cố đạo liền lên tiếng: "Bây giờ cha rửa tội cho con". Chị gạt phắt lời viên cha cố: "Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội...". Ông ta kiên nhẫn thuyết phục: "Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?". Chị nhìn thẳng vào mặt ông ta và mặt tên chánh án, trả lời: "Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước".

Đã được mật báo về hành động anh hùng của Võ Thị Sáu và cả ngày giờ giặc Pháp hành hình chị - một nữ tù đầu tiên và duy nhất ở Côn Đảo từ trước tới thời điểm ấy, hàng ngàn trái tim những người tù chính trị từ banh I đến banh II đã thổn thức suốt đêm. Khi lắng nghe thấy bước chân bọn đao phủ giải chị Sáu đến nơi hành hình, tất cả anh em cùng đứng dậy hát vang bài Chiến sĩ ca - bài hát thời ấy dành để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa những người đồng đội ra pháp trường.

Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị: "Còn yêu cầu gì trước khi chết?". Chị nói: "Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!". Nói xong, chị bắt đầu cất cao tiếng hát. Chị hát bài Tiến quân ca. Giọng hát của người con gái Đất Đỏ lúc này thiết tha bay bổng, say sưa át cả tiếng tên chánh án đọc lệnh thi hành án tử hình và tiếng hô ra lệnh cho toán lính lên đạn của tên đội trưởng lê dương. Khi tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì chị lập tức ngưng hát và hét lên: "Đả đảo thực dân Pháp!". "Việt Nam độc lập muôn năm!". "Hồ Chủ tịch muôn năm!".

Tiếng thét của chị làm bọn đao phủ chùng tay, bảy tiếng súng khô khốc nổ chuệch choạc. Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó. Cặp mắt chị trừng trừng nhìn chúng. Tên đội trưởng lê dương không tổ chức bắn loạt đạn thứ hai. Hắn rút súng ngắn lầm lũi bước lại gí vào mang tai chị, bóp cò...

Sau đó, chiến công và nhất là hành động anh hùng lẫm liệt trước kẻ thù của Võ Thị Sáu - người con gái Việt Nam anh hùng - đã được truyền tụng không chỉ trong các banh tù mà còn vào đến phòng ngủ của bọn chúa đảo, chức sắc và các gia đình trên toàn Côn Đảo...

Huyền thoại bất tử và sự linh thiêng của nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Do cảm phục người con gái anh hùng, ngay tối hôm 23/01/1952, kíp tù làm thợ hồ ở khám 2, banh I đã tìm cách đúc một tấm bia bằng xi măng đề rõ họ tên, quê quán, ngày hy sinh đặt ở đầu mộ chị. Sáng hôm sau hay tin, tên chúa đảo Jarty đích thân dẫn lính đến đập nát tấm bia, san bằng ngôi mộ.

Tưởng thế là đã xóa bỏ được uy linh của Võ Thị Sáu, Jarty không ngờ, sáng hôm sau, mộ chị lại được đắp cao hơn trước và một tấm bia bằng ximăng khác lại được dựng lên trang trọng. Jarty lồng lên, ra lệnh cho giám thị trưởng Passi chỉ huy 20 tên tay sai, mang 10 bó roi mây đến khủng bố kíp tù thợ hồ. Chúng lôi từng người ra đánh, người lủng đầu, rách lưng đổ máu... nhưng không ai hé răng khai báo. Sau trận ấy, nhiều tù nhân phải nằm bệnh xá, những người bị tình nghi phải nằm xà lim. Nhưng những người còn đi làm khổ sai vẫn lén giấu từng nhúm xi măng để dựng lại bia, đắp lại mộ chị Sáu.

Không ai nhớ hết có bao nhiêu tấm bia bằng ximăng được dựng trên mộ chị. Và, cũng không biết có bao nhiêu lệnh của bọn chúa đảo, gác ngục, phái tay sai ra đập mộ Võ Thị Sáu. Nhưng bọn chúng không sao hiểu nổi, cứ mỗi lần chúng đập bia, phá mộ chị, thì sau đó bia mộ chị Sáu lại hiện lên như trước. Họ bắt đầu lan truyền rằng: "Cô Sáu rất linh thiêng, không ai có thể đập phá được mộ của cô", và còn đồn rằng: "Cô đã hiện về, cô sẽ vặn cổ những tên hỗn láo...", và những chuyện như huyền thoại về chị Sáu bắt đầu truyền đi.

Một điều trùng hợp mà không ai lý giải được là những tên hỗn láo trực tiếp chỉ huy phá mộ chị, hoặc trực tiếp đập bia mộ chị thì vài hôm sau đã chết "bất đắt kỳ tử", hoặc khùng khùng, điên điên. Thấy thế, bọn gác ngục và lũ tù gian bắt đầu chùn tay. Cũng từ đây bọn cai tù, gác ngục và kể cả vợ con họ khi nhắc tới điều gì đều không thề: "Có trời đất quỷ thần", mà thề: "Có cô Sáu chứng giám". Lời thề ấy đến cả tên chúa đảo cũng phải thốt ra.

Từ đó, không chỉ riêng các tù chính trị mà cả những tù thường phạm, vợ con gác ngục, binh lính, công chức... mỗi lần đi ngang qua nghĩa trang Hàng Dương đều không quên đặt một viên đá, hay cắm một bông hoa, thắp một nén hương lên mộ chị. Thế nên phần mộ chị và tấm bia bằng ximăng đã không mất đi mà cứ cao dần, tồn tại cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là tấm bia thứ nhất được đặt ở bên phải phía trước ngôi mộ mới được xây dựng lại khang trang hiện nay.

Võ Thị Sáu - Nữ tù binh đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo

Tấm bia thứ hai màu trắng và cùng ở phía trước, nhưng bên trái ngôi mộ với các dòng chữ khá rõ: "Liệt nữ Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại Bà Rịa, mất ngày 23/1/1952" cũng là một chuyện hiếm có.

Chuyện là, năm 1960 khi Tăng Tư ra Côn Đảo nhận chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Côn Đảo, vợ y đang mắc chứng bệnh nan y. Nghe chuyện về Võ Thị Sáu, vợ chồng y đã âm thầm lập bàn thờ chị Sáu trong nhà, làm thần hộ mệnh và cầu mong chị phù hộ cho vợ y tìm được thầy thuốc chữa khỏi bệnh. Năm 1964, Tăng Tư lên chức tỉnh trưởng, vợ y khỏi bệnh. Vợ chồng Tăng Tư liền làm lễ tạ và gieo quẻ xin phép được trùng tu ngôi mộ của chị Sáu. Rồi vợ Tăng Tư về ngay Chợ Lớn đặt tấm bia có khắc rõ là: "Liệt nữ Võ Thị Sáu..." và tổ chức buổi lễ long trọng đặt bia trên mộ chị.

Tấm bia thứ ba bằng đá đen với những dòng chữ phủ nhũ vàng: "Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu sanh năm 1933..." được đặt ở vị trí trung tâm trang trọng nhất trên mộ phần của chị, đó là tấm bia với danh nghĩa Nhà nước và nhân dân ta ghi công chị - người con gái Việt Nam bất khuất anh hùng.

Võ Thị Sáu - Nữ tù binh đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo

Tấm bia thứ tư bằng đá, phía sau tấm bia này là một phiến đá hoa cương hình tròn đường kính gần hai mét. Nó vừa làm nền rất bề thế, hài hòa cho phía sau phần mộ, vừa tượng trưng cho ý chí hiên ngang của chị Võ Thị Sáu khi ở tuổi 17. Cũng còn một ý nghĩa là chị mãi mãi vẫn trẻ đẹp và sống mãi cùng non sông gấm vóc như ánh trăng rằm.