Tom
Polgar, nhân viên cao cấp tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam, một trong những người Mỹ cuối
cùng di tản khỏi Việt Nam, sau này đã viết: “Ai
không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử”.
Thế mà đáng tiếc, 44 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ
quốc được thống nhất, vẫn còn có những ý kiến sai lệch, xuyên tạc lịch sử. Họ
chẳng những đi ngược tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai mà còn
khoét sâu những vết thương bởi mù quáng và bạo tàn. Hành động của họ xét cho
cùng cũng chính là sự phá hoại tương lai…
Xuyên
tạc, đánh tráo, xóa nhòa lịch sử
Cứ đến dịp kỷ niệm 30/4 hằng năm, lại xuất
hiện những cụm từ cũ rích, cố tình tô vẽ lại những quan điểm sai lầm. Gần đây,
trên một trang xưng là của cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn nhắc lại những
từ ngữ như “tháng Tư là tháng “vo gạo bằng nước mắt”, “mùa quốc hận - tháng tư
đen””. Nhiều trang mạng viết coi cuộc kháng chiến thực chất chỉ là nội chiến,
là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào. Một
số ít người tự cho mình là cấp tiến, tùy tiện phán xét quá khứ, cho rằng kỷ niệm
ngày chiến thắng không phải là một việc “tử
tế”.
Cù Huy Hà Vũ, kẻ sinh ra trong một gia
đình cách mạng, từng bị tòa án tuyên án khi bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh
giải phóng dân tộc, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc. Gần đây, khi sang Mỹ, Vũ phát
ngôn cho rằng, hòa hợp dân tộc không dừng ở hòa hợp giữa hai bên “thắng cuộc” và “thua cuộc” mà còn là hòa hợp giữa những nhà dân chủ với chính quyền
hiện nay. Chỉ khi nào “chế độ cộng sản sụp
đổ, người Việt mới có hòa hợp, hòa giải”. Nguyễn Lân Thắng, “kẻ đốt đền” trong một gia đình khoa học
thì lại muốn nổi tiếng bằng những lời xảo ngôn: “Mình mong ngày 30/4 sẽ chuyển thành ngày tưởng niệm những mất mát của
dân tộc, đừng nói chuyện ai thắng, ai thua”. Lý Thái Hùng, kẻ tự xưng là “tổng
bí thư” của tổ chức khủng bố Việt Tân gần đây đã hô hào biến ngày 30/4 từ “quốc
hận” trở thành “tinh thần quốc kháng” để chống lại chế độ cộng sản.
Tháng 9/2018, tại Washington (Mỹ), cái gọi
là “tập hợp vì dân chủ cho Việt Nam”
đã tổ chức hội thảo có chủ đề “Nhìn lại
chiến tranh Việt Nam” và đưa ra một số luận điểm bịa đặt, biện hộ cho cuộc
chiến tranh phi nghĩa. Họ kêu gọi: “43
năm qua, Việt Nam vẫn chưa có tự do, vẫn chưa có dân chủ. Thành ra sứ mệnh của
người trẻ tại hải ngoại sẽ phải tiếp tục đồng hành, tiếp tục tranh đấu cho tự
do và dân chủ”.
Xung quanh bộ phim tài liệu 10 tập The
Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) được Mỹ công chiếu, một số người trong nhóm “Văn
đoàn độc lập” đã xét lại lịch sử: “Có nhất thiết phải qua chiến tranh mới giành
được độc lập không? Giá chúng ta tìm một con đường khác ít xương máu hơn cho nền
độc lập của đất nước thì quý biết nhường nào?”. “Nếu không cần chống Mỹ, miền
Nam có giàu như Hàn Quốc không?”.
Không
thể phủ nhận sự thật và đảo ngược chân lý
Để xem xét lịch sử thì cần phải có cái
nhìn toàn diện, khách quan, tôn trọng sự thật. Cho dù cuộc kháng chiến đã lùi
xa 44 năm hay lâu dài hơn nữa thì lịch sử dân tộc và thế giới đều ghi nhận và
chúng ta phải luôn khẳng định, tự hào về thắng lợi của một cuộc kháng chiến
chính nghĩa, trường kỳ, vĩ đại vì nền hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đúng như Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IV, đại hội đầu tiên sau
ngày đất nước thống nhất đã ghi rõ: “Năm
tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những
trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa
anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến
công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có
tính thời đại sâu sắc”.
Nhà sử học người Pháp, kiêm chuyên gia
nghiên cứu về lịch sử Đông Dương Alain Rusco cho rằng, sự kiện 30/4 “gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một
dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù… để có được chiến thắng này hàng
triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong nhiều thập kỷ đầy cam go, quyết liệt”.
Gần đây, trả lời báo chí về bộ phim tài liệu
The Vietnam War, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân
Việt Nam mang tính chính nghĩa, phát huy được truyền thống sức mạnh đoàn kết của
cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết sức ủng hộ. Chính vì thế đã đi
đến thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước”.
Trong cuốn hồi ký “Tổng hành dinh trong
mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đúc kết một trong những đặc
điểm nổi bật về cuộc kháng chiến là: “Cả
nước đánh Pháp, đánh Mỹ, không phân biệt tiền tuyến, hậu phương. Ý chí thống nhất
Tổ quốc là thế và lực mạnh trong chiến tranh. Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt
Nam là một. Chiến trường Việt Nam là một. Cả dân tộc kết thành một khối trong
tình đồng bào cùng chung giống nòi Hồng Lạc, không thể cắt chia. Thù nhà nợ nước
là chung của cả dân tộc…”. Những kẻ ngày nay xuyên tạc cho rằng bên này,
bên kia mới là thắng cuộc, bên này mới là giải phóng bên kia… chẳng những không
hiểu cội nguồn lịch sử mà còn xúc phạm xương máu cha ông.
Trên thực tế, chính những người trong cuộc
là Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng đều đã thừa nhận tính chính nghĩa của cuộc
kháng chiến của dân tộc Việt Nam; chỉ một bộ phận chống cộng, mang nặng hận thù
và những kẻ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày nay mới tin vào những
luận điệu như chiến tranh ý thức hệ, nội chiến hay quan điểm lập lờ “bên nào thắng thì nhân dân đều bại”(!).
Chính Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc
phòng Hoa Kỳ, người được xem là “kiến trúc sư” của cuộc chiến tranh xâm lược Việt
Nam đã rút ra 11 “sai lầm một cách tồi tệ”,
đáng chú ý nhất là đã lẫn lộn cuộc đấu tranh ý thức hệ với cuộc đấu tranh bảo vệ
Tổ quốc của cả một dân tộc. Ông viết: “Chúng
ta (Mỹ) đã đánh giá sai khi đó (và từ đó đến nay) những chủ đích địa chính trị
của các đối thủ là mở rộng làn sóng đỏ xuống Đông Nam Á và chúng ta đã phóng đại
những mối nguy hại từ hành động của họ đối với nước Mỹ”.
Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ
viết: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ
duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự
lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975…”.
Theo các tài liệu mới được giải mật của
chính quyền Mỹ, ngày 27/9/1948, trong một văn kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ xác định
mục tiêu lâu dài của Mỹ là “thủ tiêu ở mức
tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương, Mỹ muốn thấy Việt Nam
và Đông Dương có một nhà nước dân tộc chủ nghĩa tự trị thân Mỹ”. Ngày 30/12/1949,
Tổng thống Mỹ S.Truman phê chuẩn một văn kiện của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ,
trong đó nêu rõ: “Mục tiêu lâu dài của Mỹ
là thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Việt Nam và
Đông Dương... Mỹ muốn thấy ở Việt Nam và Đông Dương có các nhà nước chống cộng,
thân Mỹ”. Điều này cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại nhân kỷ niệm
35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Bác Hồ đã sớm nhìn thấy âm mưu đen tối của Mỹ. Từ 1950, Bác đã chỉ ra
sự dính líu và can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Ðông Dương. Ðể tranh thủ hòa
bình, Bác đã 11 lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ S.Truman...” nhưng không có
phản hồi.
Giáo sư Trần Chung Ngọc, một người Mỹ gốc
Việt, một cựu quân nhân trong quân lực Việt Nam cộng hòa từng có nhiều bài viết
phân tích sâu sắc về cuộc chiến tranh. Ông viết: “Mỹ không có lý do nào chính đáng để can thiệp vào Việt Nam từ năm 1945
đến năm 1975. Mỹ đã bất kể đến công pháp quốc tế, không dựa trên pháp lý mà dựa
trên “luật rừng” và “cường quyền thắng công lý” để can thiệp vào Việt Nam với ý
đồ “bành trướng thế lực và ảnh hưởng trên toàn khu vực”…
Quá
khứ - dòng máu Lạc Hồng tạo nên nhân cách
Một trong 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung
ương 4, khóa XII chỉ ra là: “Hạ thấp, phủ
nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước.
Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà
nước”. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần hết sức tỉnh táo để phát hiện,
ngăn chặn.
Không chỉ cán bộ, đảng viên mà mỗi người
dân yêu nước Việt Nam cũng cần phải có tiếng nói đúng với lương tâm và lẽ phải.
Quá khứ không chỉ là lịch sử mà còn là hành trang, là sức mạnh tinh thần, là
dòng máu Lạc Hồng tạo nên nhân cách của mỗi người dân đất Việt. Nếu quên tổ
tiên, quên công lao của thế hệ đi trước, quên những hy sinh cao cả vì độc lập,
tự do của dân tộc thì không thể là người Việt Nam chân chính. Phẫn nộ với ý kiến
cho rằng “không cần chiến tranh sau này đất
nước vẫn giàu mạnh”, nhà sử học người Mỹ gốc Việt Nguyễn Mạnh Quang đã viết:
“Trừ phi không biết hoặc thuộc loại phản
quốc, khi có một nước khác đến ngồi trên đầu làm chủ, không có một người dân tử
tế nào bằng lòng chờ cho có ngày bọn thực dân tự động trả lại cơ đồ ông cha
mình cả. Nếu theo luận điệu ươn hèn như trên, thì những công lao và sự hy sinh
của hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ trong các lực lượng nghĩa quân kháng chiến của
nhân dân ta trong đại cuộc đánh đuổi giặc Pháp ngoại xâm từ năm 1858 đến 1954 đều
là vô ích hay sao! Và hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến
1954 - 1975 để đòi lại miền Nam trong tay Mỹ, đem lại thống nhất cho đất nước
cũng là vô ích hay sao! Ðưa ra luận điệu này là tỏ ra vô ơn với hàng triệu anh
hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc Việt Nam được trường tồn”.
Trên thực tế, đã có rất nhiều tiếng nói từ
những người ở phía bên kia chiến tuyến sau này thừa nhận sai lầm của họ và ghi
nhận chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc cũng như chiến công của những người cộng
sản. Tướng Nguyễn Hữu Có, phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng Việt Nam cộng
hòa, sau này trả lời phóng vấn Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, nói: “Chiến thắng 30/4 rất vĩ đại, là chiến thắng
của sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam... Không còn chiến tranh, không còn bom rơi
đạn nổ trên quê hương mình là điều lớn nhất mà việc kết thúc chiến tranh mang lại”.
Cựu thủ tướng Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ nhận xét về việc gọi ngày 30/4 là
“quốc hận” và đòi “phục quốc”: “Thống nhất
xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã
không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó
là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc?
Nước Việt Nam có mất cho Tây... đâu mà phục quốc?”.
Bài
học cho tương lai
Ngay cả những người Mỹ đương đại cũng luôn
nhìn lịch sử với sự tôn trọng để rút ra bài học cho tương lai. Trong bài thuyết
trình “Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử” trình bày tại Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh năm 2018, Giáo sư D.G.Faust, Hiệu
trưởng Trường Đại học Harvard nói: “Lịch
sử soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng
ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình”.
Chúng ta cũng có thể tham khảo được nhiều
bài học từ nước Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, đã xuất hiện nhiều tiếng nói phủ
nhận những thành tựu thời Xô viết, xét lại Cách mạng Tháng Mười, coi đó như một
cuộc đảo chính man rợ, coi chế độ Xô viết như chủ nghĩa phát xít… Thế nhưng sau
đó, chính quyền từ thời Tổng thống Nga Putin đã nhanh chóng bác bỏ những quan
điểm sai trái trên, tiếp tục đề cao các giá trị truyền thống tốt đẹp thời Xô viết,
coi đó là niềm tự hào chung để cố kết dân tộc Nga, tăng thêm sức mạnh. Phê phán
những quan điểm sai trái, một bài báo từ hãng thông tấn Sputnik của Nga khẳng định:
Không có chính quyền dân chủ nào được lập
nên trên đầu mũi súng và không có nền dân chủ nào lại xúi giục những người anh
em trong cùng một đất nước bắn giết lẫn nhau, dối trá và phỉ báng lịch sử của
mình.
Sự dối trá, hèn hạ phỉ báng lịch sử, khơi
gợi hận thù để lặp lại sai lầm, kích động mâu thuẫn… không chỉ là hành động vô
luân, vô ơn với tiền nhân, với người hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất
mà còn là sự phá hoại tương lai của dân tộc. Chúng ta phải kiên quyết lên án,
xóa bỏ những tư tưởng ấy để “mở nền thái
bình muôn thuở”, “dập tắt chiến tranh muôn đời”.
NHẤT MINH