Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền,
là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Lịch sử dân tộc trong suốt chiều dài
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gần thế kỷ qua, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố tiên
quyết đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, tiếp tục
giành những thành quả quan trọng trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.
Mặc dù vậy, với mục tiêu làm suy yếu, lật
đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị,
phản động không từ thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nào, trong đó phá hoại chủ
trương, đường lối và mới đây là xuyên tạc Quy định trách nhiệm nêu gương của
cán bộ, đảng viên.
Cho dù là bất kỳ thể chế chính trị nào, đảng
cầm quyền, đảng chính trị đều có phương thức lãnh đạo của mình. Đối với cách mạng
nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bằng cương lĩnh, chủ trương, đường lối,
nghị quyết, chỉ thị, quy trình, lề lối làm việc, tác phong công tác… vận động,
thuyết phục quần chúng thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đề ra. Trong các hình
thức, phương pháp đó, nêu gương là phương thức quan trọng.
Nói về vai trò nêu gương, chắc hẳn trong
ký ức nhiều người dân đất Việt chúng ta còn văng vẳng lời mẹ ru câu đồng dao chất
chứa điều răn mà cha ông đúc kết: “Người
trên ở chẳng chính ngôi, khiến cho người dưới chúng tôi hỗn hào. Người trên ở
chẳng được cao, khiến cho người dưới lộn nhào lên trên”. Hay như trong “Thập
vương pháp” (Kinh tiểu bộ), Đức Phật cũng dạy người làm lãnh đạo: khi chân
chính, người khác cũng chân chính noi theo, cần sống có đạo đức, sẵn sàng hy
sinh lợi ích cá nhân cho dân, cho nước, phải liêm khiết, nghiêm minh, chính trực,
công bằng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải làm đầu tàu, gương mẫu. Muốn làm
gương mẫu thì điều quan trọng nhất tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên,
đoàn viên và quần chúng, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng”. Tất
cả những điều ấy đều chính là nêu gương.
Trong giai đoạn hiện nay, nêu gương của
cán bộ, đảng viên chính là một phương thức lãnh đạo của Đảng, đây là kết quả
quá trình kế thừa giá trị đạo đức truyền thống mang đậm tính nhân văn, nhân bản
của dân tộc Việt Nam. Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhiều chiến sỹ
cách mạng trung kiên, dù khó khăn, gian khổ vẫn chiến đấu, anh dũng hy sinh là
những tấm gương để nhiều thế hệ noi theo “người
trước ngã, người sau lên” cho dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do.
Trong điều kiện hiện nay, đất nước được độc
lập đi lên chủ nghĩa xã hội, sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên lại càng có
vai trò ý nghĩa quan trọng. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa
XII thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết
là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
là sự cần thiết, cấp bách để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Xuyên tạc Quy định trách nhiệm nêu gương của
cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy
viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW), các phần tử cơ hội chính
trị cho rằng: Nêu gương là quy định không có tác dụng, nêu gương là mị dân và
không cần thiết trong điều kiện tất cả đã có quy định.
Viết trên trang Báo Tiếng Dân (sau đó được
các báo mạng hải ngoại, blog đăng lại), ông Nguyễn Đình Cống mới đây trong bài
“Phản biện quy định nêu gương” xuyên tạc: “Người ta cho rằng do một số người
thoái hoá biến chất. Đó chỉ là sự vuốt đuôi. Thực ra nguyên nhân cơ bản là đường
lối của Đảng cộng sản, dựa vào chủ nghĩa Mác - Lê, là sự độc đoán, chuyên quyền
và dân chủ giả hiệu”. Cũng dưới chiêu bài “trao đổi”, “phản biện” về Quy định
trách nhiệm nêu gương, trên trang “Nghiên cứu Việt” và nhiều trang mạng hải ngoại,
Facebook, trong bài viết “Trao đổi với Nhị Lê” ngày 27/3/2019, ông Cống suy diễn:
“Tôi nghiên cứu kỹ nội dung Quy hoạch, rút ra nhận xét rằng nó phản dân chủ, phản
tiến bộ”...
Thủ đoạn của những luận điệu nêu trên là
xuyên tạc Quy định trách nhiệm nêu gương của Đảng, cố tình hạ thấp uy tín, vai
trò lãnh đạo của Đảng. Cho dù bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, song mục đích
cuối cùng và không bao giờ thay đổi của thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ
hội chính trị là nhằm hạ bệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng là chủ nghĩa
Mác - Lênin, là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thể chế chính trị ở Việt
Nam.
Trên phương diện lý luận, thực tiễn dân chủ,
nhân quyền là những giá trị tiến bộ mà nhân loại luôn hướng tới. Lịch sử các nền
dân chủ trong tiến trình phát triển nhân loại bao giờ cũng gắn với một thể chế
chính trị, một hình thái nhà nước nhất định.
Không có khái niệm dân chủ, nhân quyền
chung chung như bọn chúng rêu rao. Hay nói cách khác, nếu không phải dân chủ xã
hội chủ nghĩa, gắn với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì đó là dân chủ
tư sản, cổ vũ, hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Là một trong những người xuyên tạc Quy định
nêu gương mạnh mẽ nhất, Nguyễn Đình Cống là ai? Ông Nguyễn Đình Cống là giáo
sư, tiến sĩ, nhà giáo từng công tác tại Đại học Xây dựng. Ông là kỹ sư, chuyên
nghiên cứu về bê tông và các lĩnh vực khác trong xây dựng, có đóng góp nhất định
cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo trong lĩnh vực xây dựng.
Tuy nhiên sau khi về hưu, trong những năm
qua, ông Nguyễn Đình Cống đã viết, phát tán nhiều bài viết trên các trang mạng
hải ngoại, cá nhân núp bóng chiêu bài “phản biện” các chính sách đến trực tiếp
chống đối Đảng, phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin, kêu gọi thực hiện đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập. Trong dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng (03/02/2016),
ông ta đã tuyên bố từ bỏ Đảng. Trên website Nhân Văn Việt, ngay học trò của ông
cũng phải chua xót về “vị giáo sư xưa và kẻ phản đảng hiện nay”.
Người học trò cũ cũng thất vọng “không hiểu vì sao mà người thầy xưa kia lại
trở nên công khai chống Đảng, phủ nhận thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của
Đảng, xuyên tạc sự thật và trở thành kẻ vô ơn bạc nghĩa, làm mất đi hình ảnh
người thầy ngày xưa”. Ông Nguyễn Đình Cống là một trong những tác giả của
kiến nghị đòi “đổi tên đảng” (không gọi là Đảng Cộng sản); “đổi tên nước”
(không gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa), từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH.
Trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh công cuộc
đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội
nhập sâu rộng, hơn lúc nào hết để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng bằng nâng cao
năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu của Đảng thì công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng là nhân tố đặc biệt quan trọng, thường xuyên, liên tục.
Do vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi
đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ, điều
kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”. Muốn vậy, Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, Đảng là đạo đức,
là văn minh.
Chính vì lẽ đó, cụ thể hoá những quy định
của Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hoá” trong nội bộ, Đảng ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương, trên cơ sở đó
để cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn luyện, hoàn thiện mình, nhất là cán
bộ cấp cao. Quy định được ban hành đến nay tuy thời gian chưa dài, xong cán bộ,
đảng viên có những chuyển biến tích cực về trách nhiệm nêu gương, tạo hiệu ứng,
lan toả sâu rộng trong toàn Đảng.
Rõ ràng luận điệu xuyên tạc về Quy định
trách nhiệm nêu gương cần phải cảnh giác và đấu tranh./.