Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN: TRẬN ĐÁNH KHÁCH SẠN MAJESTIC CỦA 4 CÔ GÁI CẢM TỬ.


Quang cảnh sang trọng của khách sạn Cửu Long ở đầu đường Đồng Khởi ngày nay chính là phiên bản của rạp xinê Majestic cách đây hơn nửa thế kỷ, nơi đã ghi lại chiến công vang dội của 4 cô gái cảm tử Sài Gòn thuộc trung đội Minh Khai, Quyết tử quân Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong trận tập kích vô cùng táo bạo tại đây ngày 10/6/1948, 50 sĩ quan Pháp chết và bị thương trong đó có 2 quan năm và tên mật thám Albert.

BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN: TRẬN ĐÁNH KHÁCH SẠN MAJESTIC CỦA 4 CÔ GÁI CẢM TỬ.
Nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Kim Dung thời trẻ.
Thời đó, rạp chiếu bóng này sang trọng vào bậc nhất Sài Gòn, có máy điều hòa nhiệt độ và được canh gác rất nghiêm ngặt bởi rạp chủ yếu dành cho sĩ quan và thủy binh Pháp. Bọn này là đối tượng tác chiến số một của biệt động thành vì diệt “sinh lực cao cấp” của thực dân Pháp ngay tại nội thành Sài Gòn sẽ làm rung động quân địch và cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.
Nhiệm vụ quan trọng đó, Ban công tác thành giao cho trung đội Minh Khai thực hiện, trực tiếp là 4 chiến sĩ: Bùi Thị Huệ, Hoàng Thị Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Mạc Thị Lan (Huệ nhỏ). Trong số này Huệ lớn tuổi nhất (27 tuổi), Dung nhỏ nhất (15 tuổi). Cách thức tấn công: dùng lựu đạn đánh trực tiếp.
Được cơ sở mật báo tối thứ 5 (10/6/1948) rạp Majestic chiếu phim “Vĩnh biệt người yêu” cho bọn Pháp coi, trung đội Minh Khai quyết định hành động theo kế hoạch đã được cấp trên chấp nhận.
Vé đã mua sẵn, chính trị viên (Huệ lớn) bí mật trao cho các chiến đấu viên tại một tiệm may đường Võ Thị Sáu. Tới giờ, bốn chị y trang lộng lẫy, thơm ngát nước hoa, ngồi trên xe tay từ các hướng tới Majestic “xem phim”. Huệ “nhỏ” không trực tiếp đánh chỉ làm nhiệm vụ cảnh giới. Cô dắt theo một bé trai 10 tuổi để đánh lạc sự chú ý của lính gác.
Bốn cô gái lịch lãm lần lượt vào rạp, không quên mời lính ăn kẹo và mở bóp đầm cho chúng kiểm tra. Chúng có biết đâu những quả lựu đạn bé xíu nằm ngay ở dưới đáy bóp mà các nữ chiến sĩ đã khéo léo nắm chặt khi nâng lên ngay mặt chúng kèm theo nụ cười tình tứ xã giao. Dung và Huệ đi bên phải, Lan và Thanh đi bên trái ung dung vào đúng chỗ ngồi ghi trên vé. Những hàng ghế hạng sang phía sau, các sĩ quan và thủy binh Pháp đã yên vị. Ba cô lấy lựu đạn sẵn sàng rút chốt.
Đèn tắt, cuốn phim phụ trình chiếu trên màn ảnh vừa ngừng, không gian mờ tối. Đã tới giờ qui định, khi màn ảnh vừa chuyển sang phim chính, Kim Dung tung ngay quả lựu đạn vào quân Pháp ở phía sau. Tiếng nổ kinh hoàng chưa dứt thì tiếp liền hai quả của Thanh và Lan là rạp phim rung lên. Trong màn khói mù mịt và tiếng kêu la náo lọan, các cô gái lấy khăn tẩm sẵn nước hoa lau tay rồi chùi lên tóc xóa ngay mùi tanh của gang lựu đạn rồi nhập vào đám người đang hỗn loạn.
Nhân lúc lộn xộn, Thanh làm bộ sợ hãi bám vào một phụ nữ thoát ra ngoài và gọi xích lô về nhà. Huệ nhỏ bị miếng lựu đạn trúng gần mắt cá chân giả vờ kêu khóc và lôi em bé ra khỏi rạp, bọn cảnh sát không nghi ngờ gì. Kim Dung ra đến sát cửa thì cánh cửa sắt phía ngoài đóng chặt lại, Huệ cũng bị kẹt trong rạp. Cảnh sát được huy động đến bao vây chặt và mở cuộc điều tra tại chỗ. Trước lúc đi chiến đấu, các cô đã giao ước với nhau là sau khi vụ nổ xảy ra thì không ai được nhìn nhau.
Sau khi xe cứu thương chở hết những người bị thương vong vào các bệnh viện Grall (nay là Nhi đồng 2), Chợ Rẫy, địch buộc mọi người ngồi đúng vào chỗ của mình trên vé và bắt đầu xét hỏi từng người. Kim Dung nhanh trí lượm được một chiếc vé đổi ngay chỗ ngồi phía sau chỗ quả lựu đạn nổ. Chúng xét hỏi vài câu không thấy gì nghi vấn nên cho cô ra về. Huệ ngay thật ngồi lại chỗ cũ bị bắt tại trận cùng mấy người bị tình nghi đưa về bót Catinat.
Do có kẻ khai báo (có thể người chở xích lô đưa Thanh về nhà hôm đó là mật thám), ít lâu sau, số chị em trong đội nữ Minh Khai lần lượt bị địch “bắt nguội”. Qua nhiều lần tra tấn cực hình tại bót Catinat, các cô vẫn giữ được khí tiết. Chúng giải các cô sang Khám Lớn - Sài Gòn để chờ ngày đưa ra tòa xét xử.
Sau nhiều lần lấy cung, tháng 6/1949 địch đưa vụ Majestic ra xử và kết án:
* Bùi Thị Huệ - tử hình.
* Nguyễn Thị Đào 20 năm tù khổ sai (Đào không đánh trận này nhưng Thanh còn có tên là Đào nên chúng bắt nhầm).
* Nguyễn Thị Kim Dung 10 năm tù khổ sai.
Các can phạm đều chống án, địch cũng chống án vì cho xử như thế là quá nhẹ đối với các phần tử Việt Minh vô cùng nguy hiểm đã gây thiệt hại trầm trọng cho quân đội Pháp quốc.
Ở Sài Gòn dậy lên một làn sóng phản đối Tòa án Pháp xử ba phụ nữ Việt Nam quá nặng, trong đó Kim Dung còn tuổi vị thành niên. Ủy ban kháng chiến hành chánh Sài Gòn - Chợ Lớn và Trung tướng Nguyễn Bình gửi lời khen ngợi và tuyên dương công trạng Trung đội Minh Khai.
Sau một năm biệt giam trong Khám Lớn, ba cô được giảm án, nghĩa là không có ai bị án tử hình.

BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN: TRẬN ĐÁNH KHÁCH SẠN MAJESTIC CỦA 4 CÔ GÁI CẢM TỬ.
Dù có tuổi, nhưng bà Dung vẫn giữ được nhan sắc một thời.
Trận đánh làm nức lòng người dân Sài Gòn yêu nước và gây chấn động mạnh trong quân Pháp. Và dư vang của nó còn đi qua nhiều thế hệ. Bốn cô gái cảm tử năm xưa, người trở về đời thường, người trở thành giảng viên đại học Kim (cô Kim Dung), người trở thành dược sĩ cao cấp (cô Thanh)... Nay các cô đã về hưu và trở thành bà nội, bà ngọai nhưng trận Majestic vẫn ngời lên trong tâm tưởng như một dấu son lịch sử kháng chiến của Sài Gòn - Chợ Lớn anh hùng!
Thu Lê