Trên cánh đồng Đại Thịnh một chiều hè, đàn
vịt con bì bõm dưới mương nước; bên cạnh, đàn bò gần ba chục con gặm cỏ trên
đám đất hoang. Không gian xanh mướt màu cỏ nhưng vẫn thấm vẻ điêu tàn của một
mưu tính dang dở.
Đám đất và mương nước, thực ra là đất dự
án treo gần mười năm của Tổng công ty phát triển nhà và đô thị. Nếu đúng những
gì xảy ra trên bản vẽ, thay thế cho vịt và bò phải là một khu đô thị mới với
chung cư 15 tầng cùng hàng loạt nhà ở thấp tầng, siêu thị, bể bơi, công viên.
Đó là khung cảnh ngoại thành Hà Nội sau mười
năm mở rộng địa giới hành chính. Trước ngày sáp nhập, Mê Linh được hứa hẹn là “không gian sống lý tưởng” với những dự
án xây dựng khu đô thị, nhà vườn, biệt thự... khi thực hiện giãn dân, khiến cả
vùng lên cơn sốt đất.
Khắp nơi ở phía Tây Hà Nội có thể tìm được
khung cảnh dự án bỏ hoang có đàn bỏ nhởn nhơ gặm cỏ như thế. Ở Hà Đông, ở Hòa Lạc,
ở Thạch Thất hay rất nhiều nơi từng được quy hoạch trở thành không gian sống mới
của người thủ đô - giờ là các vùng hoang phế.
Trong nội thành, mười năm sau ngày mở rộng,
mỗi ngày người dân mở mắt lao ra đường là một ngày mới vật lộn trong cảnh “thủ đô sục sôi ách tắc”.
Trên đường La Thành, Viện Nhi Trung ương
cách Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chỉ độ trăm mét. Cảnh ùn ứ có thể xảy đến bất cứ
lúc nào, chỉ cần một chiếc taxi cố tình di chuyển chậm để bắt khách. Đi kèm một
sản phụ bao giờ cũng là vài ba người nhà, kèm một đứa trẻ là cặp vợ chồng.
Ở phố Phủ Doãn, nơi đặt trụ sở Bệnh viện
Việt Đức, người đi bộ không len nổi lên vỉa hè khi nó đã được trưng dụng làm
bãi giữ xe. Tiếng còi hụ xe cấp cứu, xe đưa đón bệnh nhân nối đuôi nhau ra vào.
Bảo vệ cầm loa đứng ở cổng viện kiêm mặt phố, giục các xe đi nhanh. Bên kia đường
là dãy hàng ăn, tạp hoá bán đồ bệnh viện, la liệt những mẹt hàng rong. Quanh đó,
Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K, Răng Hàm Mặt chen chúc người và người.
Trên quãng đường 2 cây số từ Xuân Thuỷ đến
Hồ Tùng Mậu là một đại công trường xây dựng với tuyến đường sắt đô thị chưa biết
bao giờ hoàn thành. Cũng là nơi đóng quân của 5 trường đại học với vài chục
nghìn sinh viên. Đi kèm là hệ thống phòng trọ, hàng quán, chợ búa.
Trên đường Giải Phóng, bên này là ba trường
đại học: Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế quốc dân. Bên kia là Bệnh viện Bạch Mai,
Tim mạch, Viện da liễu, Tai mũi họng. Trước cổng bệnh viện Bạch Mai luôn có bảo
vệ, Công an làm nhiệm vụ giữ trật tự, điều tiết giao thông. Nhưng vẫn tắc nghẽn,
và ngột ngạt.
Địa giới Hà Nội mở rộng, song công cuộc
quy hoạch thủ đô phát triển về hướng Tây đã không như kỳ vọng. Chính quyền thất
bại hoàn toàn khi không di dời nổi các cơ quan về vị trí mới như trong quy hoạch.
Theo quy hoạch mạng lưới giáo dục, các trường
nằm trong vùng lõi đô thị sẽ phải giảm quy mô đào tạo từ 660 nghìn xuống còn tối
đa 200 nghìn sinh viên. 13 trường đại học được đề xuất di dời khỏi nội đô. Bảy
huyện ngoại thành để dành trên dưới 4 nghìn ha đất để phục vụ sinh viên. Nhưng
đến nay, ngoài Khoa Luật của Đại học Quốc gia chuyển lên Hoà Lạc, và một dự án
xây dựng Đại học quốc gia “chưa biết khi nào hoàn thành”, các trường còn lại vẫn
yên vị.
Theo quy hoạch mạng lưới y tế, tám bệnh viện
nằm trong lõi đô thị sẽ phải di dời. Đồng thời, xây mới tổ hợp công trình y tế
đa chức năng ở bốn huyện ngoại thành. Thời điểm này, có những bệnh viện đã di
nhưng không dời, xây dựng cơ sở mới đưa vào hoạt động nhưng không trả lại quỹ đất
cho thành phố.
Các bộ ngành cũng không chịu di dời trụ sở
theo quy hoạch của Chính phủ. Thành phố đã vài lần kiến nghị cơ quan chủ quản
đôn đốc bộ ngành. Nhưng chỉ khoảng chục bộ trong tổng số 28 bộ ngành thực hiện
chủ trương.
Trường học, bệnh viện, bộ ngành nhiều năm
không chịu di dời khỏi nội thành đã góp phần tạo nên cảnh tượng giao thông thảm
hoạ của thủ đô. Và khi tất cả những giải pháp cũ còn dang dở, chính quyền đang
bàn tới giải pháp mới: cấm xe máy.
Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương đang được Sở
Giao thông Hà Nội nghiên cứu thí điểm cấm xe máy. Hai năm trước, với trên 91% đại
biểu nhất trí, HĐND thành phố cũng đã thông qua nghị quyết quản lý phương tiện
cá nhân, tiến tới cấm xe máy tại các quận nội thành từ năm 2030.
Hà Nội đã không thể cưỡng chế được các cơ
quan ban ngành ra ngoại vi, dù có quy hoạch giấy trắng mực đen, quyết định bằng
văn bản lẫn yêu cầu bất thành văn ở cấp cao hơn. Nhưng cùng một loại mệnh lệnh
hành chính tương tự, với sự giúp sức của lực lượng thực thi pháp luật, chính
quyền có thể cấm được người dân đi xe máy trong nội thành.
Những người đi xe máy ở Hà Nội đang ở vào
thế yếu. Có những nhóm lợi ích cao cấp hơn họ có quyền chây ì, chống lại quy hoạch,
gây ra cảnh tắc nghẽn hiển hiện. Và bởi thế, việc cấm xe máy, dù có cơ sở khoa
học thế nào, cũng dễ tạo ra tâm lý uất ức.
Dân đi xe máy dễ điều khiển hơn giám đốc bệnh
viện, hiệu trưởng đại học và lãnh đạo Bộ ngành, thực tế ở đây có thể được hiểu
như vậy. Phương án A có trước tận 10 năm nhưng không thực hiện được, nên trách
nhiệm đổ dồn vào phương án B, với một nhóm đối tượng dễ ra mệnh lệnh hơn.
Rất có thể việc cấm xe máy là hoàn toàn
chính đáng và đằng nào cũng phải thực hiện. Nhưng đó là chuyện logic. Trong bối
cảnh “phương án A” trì trệ cả một thập kỷ vì những người có quyền chức, thì bắt
người dân điều chỉnh kế mưu sinh bé mọn trước mắt cho “phương án B”, khiến cho
mọi logic sụp đổ. Chỉ còn cảm giác không vui.
Khi người ta tránh né những kẻ mạnh, rồi
tìm cách thỏa mãn nhu cầu bằng việc ra lệnh cho kẻ yếu, động từ phù hợp và cảm
giác phù hợp của những người yếu, là “bị bắt nạt”. Chính quyền Hà Nội và cao
hơn là Chính phủ chắc chắn muốn làm, cần làm nhiều hơn, với những đối tượng chống
quy hoạch, trước khi thuyết phục người dân hòa thuận đi theo con đường mình đã
chọn.
Hoàng Phương