Cứ mỗi dịp Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch
hằng năm, mỗi người dân Việt Nam lại nhớ về thời đại khai sinh lập quốc, ghi nhớ
công ơn dựng nước và giữ nước của ông cha, tiên tổ…
GS.TS.
NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS.
NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xung quanh
thời đại Hùng Vương và việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của dân tộc.
PV: Thưa Giáo sư, dưới góc độ nhà
nghiên cứu lịch sử Việt Nam, xin Giáo sư cho biết truyền thuyết về Hùng Vương
được hiểu như thế nào?
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc: Câu chuyện Hùng
Vương là vấn đề rất lớn, rất căn bản của lịch sử Việt Nam. Trước đây nhiều người
vẫn tin Hùng Vương dựng nước chỉ thuần túy là một truyền thuyết, một huyền thoại,
mà không hiểu được cái lõi lịch sử của nó…
Nhưng thực ra cũng từ rất sớm tổ tiên
chúng ta đã bước đầu giải mã huyền thoại này và đưa thời đại Hùng Vương vào
trong các bộ sử chính thức đầu tiên. Bằng chứng là sách “Việt sử lược” đời Trần đã dành một mục để nói về thời đại Hùng
Vương, An Dương Vương.
Đặc biệt, sang thế kỷ XV, khi làm bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” thì Ngô Sĩ
Liên và các sử thần triều Lê đã chính thức đưa thời kỳ Hùng Vương dựng nước vào
trong bộ Quốc sử đời Lê. Các nhà chép sử đời sau càng ngày càng làm sáng rõ hơn
vị trí và ý nghĩa của thời đại dựng nước đầu tiên, đến đầu thế kỷ XX, Phan Bội
Châu còn xác định hết sức rõ ràng rằng Hùng Vương là Thủy tổ dựng nước rồi tiếp
đến Ngô Quyền là Tổ Trung hưng đất nước…
Tuy nhiên, những tiến bộ trong nhận thức
này vẫn chủ yếu trên cơ sở phân tích, đánh giá các nguồn tư liệu thư tịch, mà
tư liệu thư tịch thì xuất hiện muộn hơn thời đại Hùng Vương dựng nước nhiều,
nên người đọc sử vẫn có quyền hoài nghi độ xác thực của nó.
Phải đến cuối những năm 1960 (1968-1970),
dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, một chương trình khoa học
liên ngành quốc gia nghiên cứu về thời đại Hùng Vương dựng nước ra đời do GS Viện
sĩ Phạm Huy Thông chủ trì, với sự tham gia của các nhà khoa học thuộc nhiều
lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở cả trong nước và quốc tế.
Các nhà khoa học tập trung nghiên cứu về
nhiều lĩnh vực như lịch sử cổ đại, địa lý lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học lịch
sử, cổ nhân học, địa chất học, sinh vật học… trong đó lấy khảo cổ học thời đại
kim khí (đồ đồng, đồ sắt) làm trung tâm cốt lõi. Kết hợp tất cả các nguồn tư liệu
(di tích, di vật, thư tịch cổ, truyền thuyết, phong tục thờ cúng, văn hóa dân
gian, phương ngữ, địa danh… ở các địa phương), chúng ta đã giải mã, tìm ra được
sự hợp lý và thống nhất của tất cả các nguồn tư liệu, làm cơ sở chứng minh một
cách thuyết phục thời đại Hùng Vương dựng nước là thời đại có thật trong lịch sử
Việt Nam, nó nằm trong khung niên đại của văn hóa Đông Sơn.
Hay nói một cách khác là quá trình hình
thành nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương nằm gọn trong giai đoạn Văn hóa Đông
Sơn, thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt trên đất Việt Nam.
Từ đấy trở đi, Việt Nam càng ngày càng đẩy
mạnh hơn việc nghiên cứu về thời đại Hùng Vương. Đặc biệt việc nghiên cứu này
đã tranh thủ được sự ủng hộ của các chuyên gia quốc tế và nhất là sự hỗ trợ của
khoa học công nghệ hiện đại nên đã chứng minh được một cách rõ ràng, đầy đủ và
hoàn toàn thuyết phục về một thời đại dựng nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam
mà không ai có thể phủ định được.
PV: Chúng ta vẫn thường nghe về “lịch
sử 4.000 năm dựng nước”. Vậy thời đại Hùng Vương có phải cũng nằm trong giai đoạn
đầu tiên đó không, thưa giáo sư?
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Cần phải nói rằng,
trong dân gian hay cả trong giới nghiên cứu cũng có các quan niệm về thời điểm
khởi đầu của lịch sử đất nước không thật giống nhau.
Theo quan niệm thông thường là từ khi có
con người xuất hiện trên phạm vi lãnh thổ đất nước hiện nay là đất nước có sử từ
thời điểm đó; còn một quan niệm chính thức của giới nghiên cứu thì chỉ khi nhà
nước sơ khai đầu tiên xuất hiện thì coi đó là thời điểm mở đầu của lịch sử đất
nước (với tư cách là lịch sử của quốc gia dân tộc), còn trước đó gọi là thời
nguyên thủy, chưa có giai cấp, chưa có nhà nước và Khảo cổ học gọi là thời Tiền
sử.
Trước đây chúng ta hay nói, nước ta có 4.000
năm lịch sử, vì chúng ta tin theo cách tính toán của các cụ đời xưa rằng Hùng
Vương dựng nước cách đây 4.000 năm.
Thật ra cách chọn 4.000 năm cũng là cách
chọn đại khái theo truyền thuyết, còn trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (tất nhiên cũng dựa theo truyền thuyết)
thì cho rằng Kinh Dương Vương bắt đầu dựng nước vào năm 2.879 trước Công Nguyên
(TCN), tính đến nay (2019) thì đã có đến 4898 năm.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên là tính
toán của các cụ đời trước chỉ cho chúng ta một ý niệm về lịch sử dựng nước lâu
đời của tổ tiên ta, chứ không cho chúng ta một niên đại chính xác.
May thay, sách “Việt sử lược”, bộ sử thời Trần còn ghi lại được: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (698-682 TCN), ở
bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng
Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang… Truyền được 18 đời, đều gọi
là Hùng Vương”.
Niên đại Hùng Vương lập nước Văn Lang được
“Việt sử lược” xác định là xấp xỉ 2.700
năm cách ngày nay. Niên đại này gần như trùng khớp với mốc mở đầu của văn hóa
Đông Sơn.
Theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật
lịch sử thì nhà nước chỉ có thể ra đời khi phân hoá giai cấp đã phát triển đủ độ
chín muồi. Mà phân hoá giai cấp chỉ phát triển cao trên nền tảng năng suất lao
động và kinh tế phát triển. Năng suất lao động phát triển trên cơ sở sự thay đổi
của công cụ sản xuất.
Các nhà nước sơ khai trên thế giới thường
ra đời ở giai đoạn thời kỳ đồ sắt, đây là quy luật có tính phổ biến trên toàn
thế giới. Tại Việt Nam, ở giai đoạn văn hoá Đông Sơn mới có sự phân hoá giai cấp,
phân hoá xã hội nhưng chưa đủ độ chín muồi cho sự ra đời của nhà nước. Tuy
nhiên, ở Việt Nam lúc này còn có hai yếu tố thúc đẩy nhà nước ra đời sớm hơn là
nhu cầu đoàn kết chống ngoại xâm và nhu cầu trị thủy, làm thuỷ lợi của cư dân
nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng lưu vực sông Hồng. Các nhà khoa học đã chứng
minh nhà nước ta chỉ ra đời ở thời kỳ văn hoá Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.700-2.500
năm, không thể đẩy lên trước Đông Sơn được (vì xã hội thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu,
Gò Mun chưa vượt ra khỏi loại hình xã hội nguyên thủy).
Niên đại mà chúng ta đang bàn ở đây hoàn
toàn đúng với ghi chép của “Việt sử lược”
và cũng phù hợp với các nguồn sử liệu khác mà chúng ta biết đến cho đến thời điểm
hiện nay. Do đó, chúng ta có đủ cơ sở khoa học để kết luận rằng, nhà nước Văn
Lang của Vua Hùng ra đời sớm nhất cách chúng ta khoảng 2.700 năm.
PV: Như vậy, thời đại Hùng Vương trong
truyền thuyết cũng gắn liền với thời đại dựng nước trong lịch sử Việt Nam. Giáo
sư đánh giá như thế nào về vai trò, vị trí của thời đại dựng nước trong tiến
trình lịch sử dân tộc?
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Thời đại dựng nước
có vị trí, ý nghĩa hết sức đặc biệt trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt
Nam. Bởi vì chúng ta có một lịch sử dựng nước rất huy hoàng, sớm có truyền thống
yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn của tiên tổ đã đem lại
cho ta quê hương, đất nước này, đó cũng là nguồn sức mạnh lớn lao để chúng ta
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi đất nước bị rơi vào ngoại bang, kẻ thù
xâm lược thì nguyện vọng, quyết tâm lớn nhất của cả dân tộc là giành lại đến
cùng nền độc lập tự do. Không phải ngẫu nhiên mà từ đầu Công nguyên, khi Hai Bà
Trưng phất cờ khởi nghĩa thì lời thề là: “rửa
sạch nước thù”, “nối lại nghiệp xưa họ
Hùng”. Tức là phải chiến đấu đến cùng để tiêu diệt bọn cướp nước, giành lại
giang sơn đã bị bọn xâm lược giày xéo.
Hay chỉ hơn một tuần nữa TP Hà Nội sẽ làm
lễ kỷ niệm 1.080 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa. Sau đại thắng Bạch
Đằng, Ngô Quyền quyết định mở nước, xưng vương và định đô Cổ Loa là để nối lại
quốc thống, tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời đại các vua Hùng vua
Thục.
Có thể nói, thời đại dựng nước đầu tiên là
cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta vượt qua muôn trùng hiểm họa của cả nghìn năm
Bắc thuộc, đã và sẽ mãi mãi là nguồn lực tinh thần, vật chất vô cùng tận để
chúng ta xây dựng và bảo vệ đất nước thiêng liêng được khởi lập từ thuở vua
Hùng dựng nước Văn Lang.
Năm 1942 khi về nước để lãnh đạo cách mạng
Việt Nam, Bác Hồ đã viết cuốn “Lịch sử nước
ta”, trong đó câu đầu tiên Bác viết: “Dân
ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Phải hiểu rõ gốc
tích nước nhà thì mới có nguồn lực, sức mạnh để chiến đấu, hy sinh vì sự trường
tồn của đất nước…
Năm 1954, tại sườn núi Nghĩa, dưới mái Đền
Hùng, khi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô,
Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công
dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây có thể coi là
tuyên ngôn kết tinh lịch sử, sức sống của thời đại Hùng Vương. Đất nước này là
đất nước của tổ tiên, do tổ tiên chúng ta dựng nên, cho nên chúng ta phải quyết
giữ bằng mọi giá.
Và tinh thần của con người Việt Nam suốt
trường kỳ lịch sử luôn như vậy. Thời đại dựng nước luôn là biểu tượng cao nhất
của Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là cội nguồn sức sống Việt Nam, sức mạnh Việt
Nam…
PV: Hiểu về thời đại dựng nước, chúng
ta càng ý thức hơn việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của dân tộc. Quan điểm
của giáo sư về vấn đề này như thế nào?
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Phát huy giá trị
lịch sử văn hoá của thời đại dựng nước là câu chuyện rất lớn. Thực tế cho thấy,
thời đại nào phát huy được thì thời đại đó phát triển và hùng mạnh. Cũng cần phải
thấy rõ nhu cầu ngày càng cao của việc bảo tồn và phát huy các giá trị, di sản
lịch sử văn hoá thời đại dựng nước đầu tiên của lịch sử Việt Nam, đặc biệt là đối
với giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.
Tôi cũng hy vọng các nhà chiến lược, đặc biệt
những người làm chiến lược về giáo dục của Việt Nam cần nhận rõ hơn vị trí, vai
trò của sử học. Đặc biệt sử học của thời đại dựng nước trong chương trình đào tạo
ở các bậc học, từ khi học sinh bắt đầu học phổ thông cho đến đại học và sau đại
học.
PV: Nhìn rộng ra ý nghĩa của ngày Giỗ
Tổ 10/3, theo Giáo sư chúng ta có thể thu nhận được bài học gì trong thời đại
ngày nay?
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Thời đại Hùng
Vương và lễ Giỗ Tổ nhắc ta về những truyền thống, đạo lý tốt đẹp của người Việt,
cũng như ý thức trách nhiệm trước sự bảo tồn và phát huy các giá trị vĩnh cửu của
dân tộc. Đó là truyền thống yêu nước - cội nguồn sức mạnh của dân tộc.
Mà yêu nước tức là phải tìm mọi cơ hội, bằng
mọi cách, bằng mọi giá góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, để đất nước ngày
càng giàu mạnh, tươi đẹp. Ngược lại, quan liêu, lãng phí, tham nhũng (nhất là
tham nhũng chính sách)… chỉ làm suy giảm và khánh kiệt mọi nguồn lực phát triển
đất nước. Cả tiền nhân và hậu thế đều không thể dung tha cho loại phạm tội này.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc
trò chuyện!