Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

NGƯỜI LÍNH GIẢI PHÓNG HY SINH TRƯỚC CỬA NGÕ SÀI GÒN.


Cứ mỗi tháng Tư về, tôi lại tìm đến những đồng đội đã cùng mình thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những người lính ngày ấy, số ít đang tại ngũ, số nhiều hơn đã trở về đời thường.
 
NGƯỜI LÍNH GIẢI PHÓNG HY SINH TRƯỚC CỬA NGÕ SÀI GÒN.

Không ít đồng đội tôi đã nằm lại cửa ngõ Sài Gòn, nằm lại với đất phương Nam trước ngày toàn thắng. Tháng Tư này, tôi tìm đến nhà liệt sĩ Trần Văn Trắc ở xóm Lương Ninh (xã Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), thắp nén nhang lên bàn thờ người đồng đội, trong khói hương trầm mặc, lòng tôi bỗng sống dậy cả một miền ký ức…
Khoảng giữa năm 1974, ngày ấy tôi đang là Tiểu đoàn trưởng bộ binh thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341. Tiểu đoàn tôi được bổ sung gần 30 tân binh quê Hà Tĩnh. Trong gần 30 chiến sĩ ấy, người gây được sự chú ý nhất của tôi là một anh lính đồng hương, mang cái tên ngồ ngộ: Trần Văn Trắc.
Là “dân” Hà Tĩnh, nên Trắc rất cần cù, chịu khó. Từ việc nấu ăn, quét nhà, đánh tranh, dựng lán… Trắc đều làm trơn tru. Nhưng nỗi đam mê nhất của Trắc là những cuốn sách giáo khoa. Đêm đêm, trong tiếng gào rú của đạn bom, của tiếng máy bay trên đầu, dưới căn hầm cá nhân, Trắc mải mê với những trang sách.
Những lần đến thăm đồng hương, Trắc thường ngước đôi mắt trong veo lên nhìn tôi: “Chúng ta sẽ tiến về Sài Gòn, phải không thủ trưởng? Sài Gòn giải phóng thì đồng bào ta trong đó được sống trong độc lập, tự do; đất nước được hòa bình. Em sẽ được thi vào đại học để thực hiện ước mơ của mình. Em sẽ trở thành kỹ sư xây dựng, thủ trưởng ạ!”.
Những năm tháng ấy, thời gian trôi đi dữ dội quá. Dữ dội đến độ người lính chúng tôi không còn cảm giác về thời gian nữa. Thời gian nhập nhòa màu lửa cháy, nhập nhòa màu máu đỏ. Chỉ có màu xanh áo lính chúng tôi và những ước mơ của người lính làm cho chúng tôi nhận ra ở đây còn có màu xanh. Một màu xanh khát khao và hy vọng…!
Tháng 4-1975, sư đoàn chúng tôi nhận lệnh tiến về giải phóng Xuân Lộc, đập tan cái chốt chặn kiên cố nhất của địch ở cửa ngõ Sài Gòn. Lúc này, Trắc đã là hạ sĩ, tiểu đội trưởng thuộc trung đội hỏa lực trực thuộc tiểu đoàn. Tiểu đoàn ém quân trong một rừng cao su, chặn đánh quân địch tiếp viện cho Xuân Lộc.
Hôm đó, chừng 9 giờ sáng, hình như đánh hơi được điều gì bất ổn, địch cho máy bay rà soát trên đội hình quân ta và tung thám báo ra lùng sục. Bọn thám báo dàn hàng ngang, vừa đi, vừa bắn như vãi đạn, tiến về hướng trận địa quân ta. Nguy cơ trận địa bị lộ treo lơ lửng ngay trước mắt. Đúng lúc đó, Trắc ôm súng chạy đến bên tôi:
- Báo cáo thủ trưởng, cho tiểu đội em xuất kích!
- Xuất kích? - Tôi tròn mắt - Đồng chí có khùng không đấy? Nổ súng bây giờ trận địa sẽ lộ, còn đâu là phục kích, là bất ngờ nữa?!
- Báo cáo: Nếu không xuất kích, cả đại đội thám báo đang càn vào đội hình ta thế kia, sớm muộn gì trận địa cũng lộ. Theo em biết, trong tiểu đoàn đang có 5 đồng chí du kích địa phương làm nhiệm vụ dẫn đường. Bọn em sẽ đổi quần áo cho họ rồi tách ra khỏi đội hình, nổ súng đánh lạc hướng địch. Nếu có bề gì, chúng cũng chỉ nghi bọn em là du kích và sẽ chẳng còn nghi ngờ có chủ lực ta ở đây!
Tôi đã hiểu ý định của người tiểu đội trưởng, người đồng hương của mình. Một thoáng đắn đo trong đầu tôi. Như đọc được ý nghĩ đó, Trắc gằn giọng:
- Để bọn em xuất kích, khi đang còn kịp! Quyết định đi, thủ trưởng!
Tôi cắn môi, gật đầu. Hơn 15 phút sau, tiếng súng của tiểu đội 5 người do Trắc chỉ huy đã nổ vào sau lưng lũ thám báo. Các anh vừa bắn, vừa rút. Bọn địch hò nhau đuổi theo. Tiếng AK nổ từng điểm xạ ngắn, lúc nơi này, lúc nơi khác, xa dần đội hình phục kích của tiểu đoàn.
Gần một giờ sau, tiếng súng của tiểu đội Trắc chỉ còn nổ lẻ tẻ rồi im bặt. Ngồi trong công sự, bằng mắt thường, nhiều cán bộ, chiến sĩ cũng thấy lũ giặc đang kéo thi thể 5 anh em ra mặt đường. Chúng tôi thấy ruột mình như đang bị xát muối. Nhiều người cố ghìm tiếng nấc, răng nghiến kèn kẹt; có người đôi tròng mắt bật máu!
Qua bộ đàm, tôi nghe bọn thám báo báo về thượng cấp của chúng: “đã chạm súng với một trung đội du kích cộng quân. Tất cả cộng quân đã bị bắn hạ (!)”, rồi chúng hí hửng rút lui. Lũ máy bay L19 cũng không còn vo ve trên đầu nữa.
Một lúc sau, đoàn quân xa của địch tiếp viện cho Xuân Lộc chẳng nghi ngờ gì, tiến vào trận địa ta phục kích. Khi chiếc xe cuối cùng lọt vào tầm ngắm của DKZ, tôi đấm mạnh tay xuống đất, gầm lên:
- Vì Sài Gòn giải phóng! Trả thù cho tiểu đội đồng chí Trắc! B…ắn!
Trong cuộc đời trận mạc của mình, chưa bao giờ tôi thấy tiếng súng tiểu đoàn nổ dữ dội đến thế. Những luồng đạn DKZ, B40, B41 đầu tiên đã thiêu cháy gần hết đoàn xe. Tôi phát lệnh xung phong. Cả tiểu đoàn lao lên bằng sức mạnh căm thù và tình yêu đồng đội. Đoàn quân tiếp viện của địch bị tiêu diệt hoàn toàn. Lúc đó là trưa ngày 12-4-1975!
Đã 31 năm Sài Gòn được giải phóng!
Đất nước đang khởi sắc từng ngày trong công cuộc đổi mới của Đảng ta. Sống trong thanh bình, rất nhiều đêm, rất nhiều năm, hình ảnh của Trắc, của tiểu đội anh hùng ấy cứ hiện về cháy rát trong tim tôi. Và có thể hình bóng của người đồng đội ấy sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời.
Trắc đã đi xa. Anh đã được đồng đội và bà con cô bác đưa về an nghỉ ở nghĩa trang Long Khánh ngay cửa ngõ Sài Gòn. Trong ký ức của tôi và bao đồng đội, mãi mãi, anh và những người lính như anh đã ngã xuống cho cuộc đời hôm nay, đã trở thành bất tử!
Và, cứ độ tháng tư về, trong tôi lại hiện về lấp lánh màu xanh quân phục của những đoàn quân ào ạt tiến về Sài Gòn; lại hiện về lấp lánh màu xanh quân phục sạm đen khói súng của Trắc đang ôm súng lao lên dưới một trời đạn lửa. Hình như đâu đó trên các giảng đường đại học, tôi vẫn thấy Trắc bằng xương, bằng thịt đang ngồi trước trang sách mở, miệng mỉm cười, ngước đôi mắt trong veo lên bục giảng.
Và, tôi bỗng nhận ra một điều thật ấm áp: Những người lính như anh vẫn còn sống mãi trong trái tim, trong nỗi nhớ, trong ký ức mỗi chúng tôi; đứng cao hơn số phận con người!
* Tháng 4-2006 (Viết theo lời kể của Trung tá Lê Văn Vinh, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341).
Thu Lê