Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

XỬ LÝ NGHIÊM SAI PHẠM, TRẢ LẠI SỰ TRONG SẠCH CHO MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC


Vụ việc gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia tại các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong những ngày qua lại đang nóng lên trên các mặt báo cũng như mạng xã hội.

XỬ LÝ NGHIÊM SAI PHẠM, TRẢ LẠI SỰ TRONG SẠCH CHO MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC

Điều đặc biệt khiến dư luận bức xúc là sau khi danh sách những thí sinh được nâng điểm được công khai, trong số đó có trường hợp kỷ lục được nâng khống tới 26,5 điểm để trở thành thủ khoa của Trường Sĩ quan lục quân, trong khi điểm thực chất của thí sinh này chỉ vỏn vẹn 1 điểm cả ba môn.
Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xác định có 222 thí sinh bị phát hiện gian lận điểm trong kỳ thi vừa qua, trong đó  có 114 thí sinh tỉnh Hà Giang, 64 thí sinh tỉnh Sơn La và 44 thí sinh tỉnh Hòa Bình. Bằng việc sửa điểm, nhiều trong số những thí sinh đó đã trở thành thủ khoa, á khoa và lọt vào top đầu tại một số trường đại học danh giá.
Sự chiếm chỗ của những trường hợp gian lận này cũng đồng thời tước đoạt đi cơ hội của ngần ấy thí sinh đủ năng lực, thậm chí có cả những nhân tài khắp các địa phương trong cả nước trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Cho đến thời điểm hiện tại, việc xử lý đối với những trường hợp thí sinh được phát hiện gian lận điểm trúng tuyển vào các trường đại học vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Thậm chí tại một số trường thí sinh được nâng điểm vẫn đang theo học do xác định số điểm thực chất sau khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm trúng tuyển hoặc thí sinh đã sử dụng tổ hợp điểm những môn khác để xét tuyển.
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục là sự nghiệp trồng người, đào tạo thế hệ nhân tài cho đất nước phải đảm bảo cả tài và đức, liệu chúng ta có chấp nhận những chủ nhân tương lai của đất nước đã có hành vi gian lận ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Cho đến thời điểm này, lực lượng Công an đã khởi tố 3 vụ án về tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khởi tố, bắt giam nhiều cá nhân có liên quan đến quá trình tham gia chấm thi, quản lý bài thi, đề thi tại các địa phương Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La.
Vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý nghiêm khắc trên tinh thần kiên quyết, khách quan và triệt để. Đối với các trường hợp thí sinh dự tuyển vào các trường CAND, trả lời phóng viên Lãnh đạo Cục Đào tạo - Bộ Công an đã cho biết: Đã trả 53 thí sinh gian lận điểm tại hai địa phương Sơn La và Hòa Bình trúng tuyển vào các trường CAND về địa phương để xử lý theo quy định.
Nguyên tắc xử lý của Bộ Công an là tất cả các học viên có điểm thi gian lận đều bị thu hồi kết quả trúng tuyển và xử lý nghiêm bất kể điểm thực chất sau khi trừ điểm nâng có đạt điểm chuẩn vào các trường CAND hay không.
Đồng thời để ngăn chặn và hạn chế tình trạng gian lận trong thi cử, hiện Bộ Công an cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án đổi mới tuyển sinh vào các trường CAND.
Mục tiêu của đề án này là sẽ đưa ra các quy định mang tính đặc thù nhằm tuyển chọn được những người có năng lực, năng khiếu đáp ứng các tiêu chuẩn quy định cũng như hạn chế tình trạng gian lận khi thi tuyển vào các trường CAND.
Câu hỏi mà dư luận đang hết sức quan tâm là các cơ quan chức năng xử lý như thế nào đối với những thí sinh sai phạm và cả những người có liên quan, trong đó có phụ huynh của những thí sinh đã được nâng điểm.
Rõ ràng là những hệ lụy tiêu cực liên quan đến gian lận trong kỳ thi PTTH Quốc gia năm 2018 vừa qua để lại những hậu quả rất nặng nề. Những sai phạm đó đã làm ảnh hưởng đến một kỳ thi công bằng và nghiêm túc về sự trong sạch cần phải có của môi trường giáo dục.
Chỉ bằng cách xử lý một cách toàn diện, kịp thời và nghiêm khắc tất cả những sai phạm mới có thể lấy lại được lòng tin trong xã hội đặc biệt đối với các học sinh và phụ huynh khi một mùa thi mới sắp đến gần./.
Yên Trung